Mỗi tác phẩm nghệ thuật lớn thường quy tụ quanh nó sự đa dạng, thậm chí phức tạp trong tiếp nhận. Người đọc ở mỗi thời đại, mỗi góc nhìn lại phát hiện ra những giá trị khác nhau. Vì thế, có những sáng tác ngỡ như được bàn đến “thiên kinh vạn quyển” song nhiều giá trị của tác phẩm vẫn tiếp tục được khám phá . Không biết sau này, truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao có trụ vững được trước sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian không nhưng hiện tại, tác phẩm này vẫn được coi là kiệt tác. Từ khi được đưa vào nhà trường phổ thông đến nay, vị trí của tác phẩm trong văn học hiện đại đã được khẳng định trên rất nhiều phương diện. Từ góc nhìn văn hóa, tác phẩm không chỉ hé mở tiếp những giá trị đặc sắc mà theo tôi, còn có thể giải đáp được phần nào vai trò và ý nghĩa của nhân vật Thị Nở - một kiểu nhân vật ngẩn ngơ, xấu xí quen thuộc trong văn Nam Cao.
Thị Nở chắc chắn là sự tái sinh của một kiểu nhân vật cổ tích. Để khẳng định điều này có cơ sở trước hết cần điểm lại một đặc điểm của nhân vật cổ tích. Đó là sự phân cực đến tuyệt đối. Phần lớn các nhân vật cổ tích nếu đã ác thì ác đến không còn tính người, đã nghèo thì tài sản duy nhất chỉ là manh khố, đã thật thà thì hết lần này đến lần khác đều bị lừa, đã xấu thì xấu đến độ dị dạng, Nghĩa là điểm nào cũng được thể hiện ở mức tận cùng. Nam Cao tuy ảnh hưởng của Tây học nhưng cái nền tảng đầu tiên tạo nên “con người văn hóa” trong nhà văn vẫn là môi trường của nông thôn Việt Nam xưa với những tích chèo, những câu chuyện cổ,
NHÂN VẬT THỊ NỞ TRONG TRUYỆN NGẮN CHÍ PHÈO CỦA NAM CAO – TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA Nguyễn Thư Mỗi tác phẩm nghệ thuật lớn thường quy tụ quanh nó sự đa dạng, thậm chí phức tạp trong tiếp nhận. Người đọc ở mỗi thời đại, mỗi góc nhìn lại phát hiện ra những giá trị khác nhau. Vì thế, có những sáng tác ngỡ như được bàn đến “thiên kinh vạn quyển” song nhiều giá trị của tác phẩm vẫn tiếp tục được khám phá . Không biết sau này, truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao có trụ vững được trước sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian không nhưng hiện tại, tác phẩm này vẫn được coi là kiệt tác. Từ khi được đưa vào nhà trường phổ thông đến nay, vị trí của tác phẩm trong văn học hiện đại đã được khẳng định trên rất nhiều phương diện. Từ góc nhìn văn hóa, tác phẩm không chỉ hé mở tiếp những giá trị đặc sắc mà theo tôi, còn có thể giải đáp được phần nào vai trò và ý nghĩa của nhân vật Thị Nở - một kiểu nhân vật ngẩn ngơ, xấu xí quen thuộc trong văn Nam Cao. Thị Nở chắc chắn là sự tái sinh của một kiểu nhân vật cổ tích. Để khẳng định điều này có cơ sở trước hết cần điểm lại một đặc điểm của nhân vật cổ tích. Đó là sự phân cực đến tuyệt đối. Phần lớn các nhân vật cổ tích nếu đã ác thì ác đến không còn tính người, đã nghèo thì tài sản duy nhất chỉ là manh khố, đã thật thà thì hết lần này đến lần khác đều bị lừa, đã xấu thì xấu đến độ dị dạng, Nghĩa là điểm nào cũng được thể hiện ở mức tận cùng. Nam Cao tuy ảnh hưởng của Tây học nhưng cái nền tảng đầu tiên tạo nên “con người văn hóa” trong nhà văn vẫn là môi trường của nông thôn Việt Nam xưa với những tích chèo, những câu chuyện cổ, đi vào tâm thức văn hóa dân tộc từ hàng ngàn đời nay. Hẳn không lạ gì với kiểu nhân vật như Quadimodo của V. Hugo nhưng cái nguồn văn hóa chủ yếu chi phối nhà văn xây dựng nhân vật Thị Nở phải là dấu ấn của các câu chuyện cổ tích. Chính nhà văn đã ví Thị Nở là “một người ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hờn”. Thị Nở chính là sự tái sinh của nhân vật người mang lốt trong cổ tích. Đó là một kiểu của nhân vật phù trợ. Những nhân vật này thường mang lốt cóc, lốt sọ dừa, lốt rắn, hoặc những người xấu xí, dị dạng, Và thường thử thách phẩm chất của các nhân vật khác để trừng phạt kẻ ác, cứu vớt người lương thiện. Thị Nở cũng vậy, mang bề ngoài xấu xí, đần độn nhưng chính Thị Nở lại cứu vớt lương tri của Chí phèo. Trong truyện Sọ Dừa, cả hai người chị nhà phú ông xa lánh chàng trai mang lốt sọ còn cô út nhân hậu thì chấp nhận lấy chàng và được hạnh phúc. Trong Chí Phèo, cả làng Vũ Đại tránh Thị Nở “như tránh con vật lạ” song Chí Phèo bất ngờ “tiếp cận” được với Thị, thế là nhân tính được cứu rỗi (Điều này sẽ được trình bày rõ hơn ở phần sau). Nhưng khác với cổ tích, cô út nhà phú ông dù có gặp tai biến cuối cùng vẫn đoàn viên còn ở Chí Phèo, Thị Nở chỉ có thể cứu được nhân tính chứ không thể cứu được số phận của Chí. Ở một khía cạnh khác, khi miêu tả Thị Nở “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích” thì nhân vật này cũng là tái sinh của kiểu nhân vật ngốc thuộc lớp người “thấp cổ bé họng” . Và nếu trong cổ tích, nhân vật ngốc dù bị lừa gạt thì vẫn được lực lượng thần kỳ che chở, cuối cùng vẫn được giàu có hoặc lấy được công chúa, nhưng trong Chí Phèo, Thị Nở là nhân vật bị cô lập, bị bỏ rơi bởi định kiến xã hội. Mặc dù kết thúc tác phẩm chưa phải là kết thúc số phận của Thị Nở nhưng người đọc vẫn hình dung được kết cục của nhân vật trong hoàn cảnh xã hội còn đầy những định kiến hà khắc về người phụ nữ “không chồng mà chửa”. Như vậy, là tái sinh của nhân vật phù trợ “người mang lốt”, Thị Nở không cứu vớt được số phận của Chí Phèo, là tái sinh của nhân vật “thấp cổ bé họng”, Thị Nở không được ai che chở, bênh vực. Nếu cổ tích là “những giấc mơ đẹp” thì đến Nam Cao, giấc mơ ấy bị đổ bể. Hiểu như vậy thì tác phẩm hiện thực phê phán này không chỉ là sự đổ vỡ của “lí tưởng lãng mạn” như bản chất của Chủ nghĩa hiện thực nói chung mà còn là sự đổ vỡ của những giấc mơ đẹp có từ cổ tích. Đó là sự thức tỉnh để nhìn rõ vào bản chất của hiện thực xã hội. Ở thời cổ tích, con người dù chịu bất công vẫn có thể vin vào triết lí “ở hiền gặp lành” làm đức tin còn trong tác phẩm này thông điệp mà Nam Cao muốn chuyển tải là sự cảnh báo về một thời kỳ con người không biết tin vào đâu để sống. Nếu như cách lí giải về nhân vật Thị Nở theo hướng này có lí thì liệu cái lí ấy có liên quan gì đến tư tưởng nghệ thuật và phương thức phản ánh hiện thực của Nam Cao, cái lí ấy liệu có liên quan gì đến những suy tư của nhà văn về con người, xã hội đương thời? Xung quanh nhân vật Thị Nở, tác phẩm còn tạo nên một lối kết cấu riêng: kết cấu đối xứng. Nếu Thị Nở là sự tái sinh của nhân vật cổ tích thì kết cấu đối xứng là sự tái sinh của một kiểu tư duy có tính bác học thời trung đại – tư duy quan hệ. Lối tư duy này dựa trên nền tảng là triết học Âm dương. Đó là cách dùng mặt nọ nói mặt kia trên cơ sở hai mặt đối lập. Chẳng hạn, dùng ánh sáng nói bóng tối hoặc dùng mộng nói thực,... Đành rằng đây không phải là phương thức tư duy của riêng phương Đông nhưng chỉ ở phương Đông, tư duy quan hệ mới được ý thức một cách sâu sắc, triệt để. Trên nền tảng lối tư duy ấy, tác giả dựng lên những cặp nhân vật, sự kiện đối xứng để làm nổi bật nhau như Chí phèo – Thị Nở, Chí Phèo – Tự Lãng, Chí Phèo – Bá Kiến, hoặc như hai câu nói của Chí ở cuối tác phẩm “tao muốn làm người lương thiện” – “ai cho tao lương thiện?” Đó là những cặp đối xứng dễ thấy và dễ nhận ra tác dụng nhất. Xung quanh nhân vật Thị Nở, tư duy quan hệ còn tạo ra sự đối xứng ở mức độ sâu sắc hơn. Cặp đối xứng thứ nhất là mối quan hệ giữa hai người đàn bà đi qua cuộc đời Chí Phèo: Thị Nở và bà ba Bà Kiến. Đây không phải là sự suy diễn vì không phải ngẫu nhiên mà tác giả để cho Chí Phèo hồi tưởng lại những ký ức về bà ba khi sống bên Thị Nở. Cả hai người đàn bà này đều tạo nên những bước ngoặt lớn trong cuộc đời Chí phèo. Nếu bà ba xinh đẹp thì Thị Nở lại là “con vật lạ”, là một sự “mỉa mai của hóa công”. Bà ba lẳng lơ một cách ranh mãnh còn Thị Nở thì vô tâm “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích”, đến mức không biết thế nào là lẳng lơ, là xấu. Bà ba chủ động tìm cách “tiếp cận” Chí Phèo còn Thị Nở lúc đầu hoàn toàn bị động trong cuộc gặp gỡ với Chí. Cùng phát khởi từ vấn đề tính dục nhưng sự “ưu ái” của bà ba dành cho Chí chỉ để thỏa mãn nhục dục còn sự chăm chút của Thị Nở là hoàn toàn tự nguyện. Với bà ba, Chí tuy “không phải là đá” nhưng chỉ cảm thấy nhục vì phải phục dịch còn khi được Thị Nở chăm chút, Chí chỉ mong “giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ”. Việc buộc phải quan hệ với bà ba, Chí Phèo trở thành cái gai trong mắt Bá Kiến và đó chính là nguyên nhân trực tiếp đầu tiên để Chí trở thành con quỷ dữ sau này. Sự kiện gặp gỡ với Thị Nở lại là nguyên nhân quan trọng để Chí Phèo dần thức tỉnh ý thức làm người. Mặc dù không hề có một so sánh trực tiếp nào ví Thị Nở như một “thiên thần mang lốt kẻ dị dạng” nhưng tư duy quan hệ vẫn cho phép người đọc hiểu dụng ý của Nam Cao. Khi đã ví bà ba như “con quỷ cái”, người đọc có quyền hiểu rằng hình tượng đối lập với “yêu quỷ” phải là “thiên thần”. Nếu không phải với chức năng ấy, Thị Nở làm sao có thể cứu rỗi linh hồn của Chí một cách kì diệu đến thế. Chỉ khi liên tưởng đến Thị Nở trong chức năng của thiên thần cứu rỗi mà không cứu vớt được số phận của Chí Phèo, ta mới cảm thấy thấm thía những suy tư của Nam Cao về thân phận, số phận con người trong một thời đại “không còn chúa” – thời đại mà triết lí “ở hiền gặp lành” thành ra viển vông. Viển vông vì ở cái làng Vũ Đại này càng hiền càng bị đè nén đến “không ngóc đầu dậy được”. Cặp đối xứng thứ hai là mối quan hệ giữa hai bữa ăn mà Chí được “chiêu đãi”. Một bữa ăn do Bá Kiến mời và một bữa ăn do Thị Nở nấu cho. Đây cũng là hai dấu ấn quan trọng với Chí. Bữa ăn nhà Bá Kiến là sự kiện xảy ra khi Chí Phèo vừa ở tù về. Tuy đã biến thành tên lưu manh tha hóa nhưng Chí vẫn nhớ mối thù vì bị đẩy vào tù. Chí uống rượu và đến gây gổ nhà Bá Kiến, xô xát với Lí Cường. Hành động ấy tuy có khiến dân làng hả hê đôi chút vì cái gia đình cụ bá thường ngày xem người như rác mà nay bị một thằng “cùng hơn cả dân cùng” đến mạt sát. Nhưng Bá Kiến đã xuất hiện kịp thời, đuổi khéo dân làng tản đi để Chí bị cô lập và lại “trịnh trọng” mời Chí Phèo vào nhà. Chí Phèo sau một thoáng lo sợ hão đã cảm thấy hả hê vì cái lão Bá “thét ra lửa” kia không chỉ hạ mình thành ngang hàng với Chí mà còn “cung kính” thết đãi cơm rượu. Bữa ăn ấy có đầy đủ rượu thịt, lại được mời mọc bằng những lời ngon ngọt mà thực chất là một thứ “độc dược” để đầu độc linh hồn của Chí Phèo. Gọi là “độc dược” là hợp lí bởi làng Vũ Đại vốn chỉ toàn gắn với những ký ức buồn của Chí. Sau bảy, tám năm ở tù, Chí trở về làng chắc không phải vì người thân, cũng chẳng phải vì mảnh ruộng hay túp lều nào cả bởi Chí vốn không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không tấc đất cắm dùi. Một cảnh ngộ như thế lại mang tiếng là từng có một án tù, nếu chẳng còn gì vương vấn chắc Chí sẽ đi biệt tích như cô Đào trong truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải. Chí về làng chỉ với mục đích duy nhất là trả thù. “Hắn về hôm trước hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu với thịt chó suốt từ trưa cho đến xế chiều” rồi “ngật ngưỡng” đến nhà Bá Kiến. Điều đó chứng tỏ, bảy, tám năm qua, Chí đã từng nung nấu mối thù với lão Bá. Thế mà chỉ bằng một bữa ăn với vài lời ngon ngọt, Chí đã bị đầu độc đến mức không chỉ quên đi mối thù mà còn trở thành tay chân của lão. Bữa ăn được Thị Nở “thết đãi” là sự kiện diễn ra sau đêm “đôi lứa xứng đôi” bất ngờ gặp nhau. Nếu Bá Kiến thết đãi Chí Phèo với động cơ nham hiểm là thu phục và lợi dụng thì Thị Nở chăm chút Chí phèo bằng một tình cảm yêu thương hồn nhiên, vô tư. Nếu bữa ăn nhà Bá Kiến có đủ rượu thịt thì bữa ăn của Thị Nở chỉ vẻn vẹn một nồi cháo hành. Sau bữa ăn nhà Bá Kiến, Chí Phèo lại được thêm tiền và hả hê ra về còn sau bữa ăn của Thị Nở, Chí vừa có cảm giác cay đắng khi nghĩ lại đời mình lại vừa có nỗi khát thèm hạnh phúc đời thường. Và điều quan trọng nhất, nếu bữa ăn nhà Bá Kiến là thứ “độc dược” nhằm hoàn tất công việc của nhà tù thực dân, đầu độc nhân tính của Chí Phèo thì bát cháo hành của Thị Nở lại là thứ “linh dược” làm hồi sinh nhân tính trong Chí. Sau bữa ăn nhà Bá Kiến, Chí bắt đầu những chuỗi ngày đâm thuê, chém mướn, rạch mặt ăn vạ, “triền miên trong những cơn say”. Sau khi ăn cháo hành, cái sức mạnh quỷ dữ bị gạt bỏ, bị tiêu trừ dần, khiến Chí cảm thấy yếu đuối, sợ ốm đau, tuổi già và sự cô độc, nhất là sự cô độc, “cái này còn đáng sợ hơn đói rét, ốm đau”. Hai cặp đối xứng vừa kể trên có tác dụng đặc biệt trong dụng ý đặt ra vấn đề quen thuộc ở các sáng tác của Nam Cao – vấn đề “đôi mắt”. Nghĩa là nhà văn cho rằng muốn nhìn cuộc sống một cách đúng đắn thì phải “cảnh giác” với những biểu hiện bên ngoài. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ta sẽ chỉ thấy bà ba xinh đẹp, Thị Nở xấu xí, chỉ thấy bữa ăn nhà Bá kiến đầy đủ rượu thịt còn bát cháo hành xoàng xĩnh. Nhưng trong thực tế, cái giá trị nhân văn đích thực của cuộc sống nhiều khi lại núp sau cái vẻ ngoài xấu xí, xoàng xĩnh. Đó là một trong những ý nghĩa triết lí sâu sắc của tác phẩm, là tiếng nói thường đau đáu trong văn Nam Cao. Xét đến những tác động của hoàn cảnh đến tâm tính của Chí Phèo, có thể kể đến sự đối xứng giữa Thị Nở và nhà tù thực dân. Nếu nhà tù thực dân tiếp tay cho Bá Kiến biến một người lương thiện thành một kẻ lưu manh, tha hóa thì Thị Nở lại biến con quỷ dữ của làng Vũ Đại trở lại làm một con người. Nhà tù tác động đến Chí Phèo một cách có chủ ý còn Thị Nở lại vô tình. Vô tình vì Thị Nở cùng lắm chỉ biết rằng mình vừa cứu sống một con người khỏi chết vì bị cảm chứ đâu có ý thức về sự cứu rỗi. Vô tình vậy mà sức tác động đến Chí Phèo lại vô cùng bất ngờ. Chí Phèo trở lại ý thức người đột ngột đến mức mà bộ óc Tào Tháo của Bá Kiến cũng không ngờ tới. Nội dung nhân đạo toát ra từ cặp đối xứng này chính là sự đề cao sức mạnh của tình người. Tình người có sức mạnh hơn bất cứ thứ bạo lực nhà tù nào. Để nhào nặn nên con quỷ dữ Chí Phèo, nhà tù thực dân phải mất bảy, tám năm trời nhưng để biến Chí thành một con người Thị Nở chỉ cần có vài ngày ngắn ngủi. Lâu nay, tác phẩm của Nam cao thường được nhìn nhận trong những ảnh hưởng phức tạp của các trào lưu văn học lớn từ phương Tây, thậm chí kể cả Chủ nghĩa tự nhiên. Đó là điều không ai có quyền nghi ngờ nhưng ở mỗi nhà văn lớn thường có sự kế thừa những tinh hoa truyền thống kết hợp với hiện đại. Nếu nhìn từ truyền thống, từ góc độ văn hóa, có thể tầm vóc của nhà văn sẽ được tôn vinh thêm rất nhiều? Với ý tưởng ấy, bài viết này đã mạnh dạn nêu lên vài suy nghĩ xung quanh nhân vật Thị Nở.
Tài liệu đính kèm: