Những con sóng bạc trường giang lắng mình, trở về hội ngộ cõi uyên nguyên huyền ảo, cõi ban sơ hoa hạnh ngân dài. Không gian tĩnh lặng. Hết thảy mọi tinh thể lần lượt hiển hiện như tự thân ban đầu của nó. Những cánh nhạn vút qua rồi lặng lẽ. Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh. Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô ảnh hiện. Sự sống trở nên uyên mặc. Những tia nắng bừng lên, hội nhập từng hạt ánh sáng soi chiếu vào vạn vật. Những chiếc lá với bao nét gân xanh; những cánh chuồn mong manh rớt từng tia nắng, phô bày một mảnh thiên y tuyệt diễm. Cuộc đời không còn mờ ảo, bí hiểm dâu bể ngút ngàn. Kiếp người hiện ra đích thực như thị. Ánh sáng nhân duyên trong suốt, soi qua mọi vật thể, rọi mọi nơi tuyệt mù sương khói mênh mang
Những vết hằn rõ nét trên đôi mắt chàng lãng tử, năm tháng bôn ba trong cuộc lữ duyên tình. Bao nhiêu sợ hãi, ước vọng về tình yêu, về cuộc sống hội tụ và trổi nên sức sống phiêu bồng trong dòng chảy mênh mang của kiếp người, trong cõi nhân gian hòa quyện cùng mưa nắng. Những sợi tơ trời lung linh huyền ảo thả mình, buông nắng. Con người cất lên tiếng nói chứa chan nỗi niềm dâu bể; một cung đàn phổ điệu tình ca phóng vút qua muôn sông ngàn suối, vượt quán xá chiều hôm canh khuya gác trọ với những bóng dáng mờ ảo ngút tận con đường nhận thức cuộc sống.
“Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách
Nhật viễn gia hương vạn lý trình”[1]
TƯ TƯỞNG TÀI MỆNH TRONG TRUYỆN KIỀU Thanh Tâm Những con sóng bạc trường giang lắng mình, trở về hội ngộ cõi uyên nguyên huyền ảo, cõi ban sơ hoa hạnh ngân dài. Không gian tĩnh lặng. Hết thảy mọi tinh thể lần lượt hiển hiện như tự thân ban đầu của nó. Những cánh nhạn vút qua rồi lặng lẽ. Phong lai sơ trúc, phong khứ nhi trúc bất lưu thanh. Nhạn quá hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô ảnh hiện. Sự sống trở nên uyên mặc. Những tia nắng bừng lên, hội nhập từng hạt ánh sáng soi chiếu vào vạn vật. Những chiếc lá với bao nét gân xanh; những cánh chuồn mong manh rớt từng tia nắng, phô bày một mảnh thiên y tuyệt diễm. Cuộc đời không còn mờ ảo, bí hiểm dâu bể ngút ngàn. Kiếp người hiện ra đích thực như thị. Ánh sáng nhân duyên trong suốt, soi qua mọi vật thể, rọi mọi nơi tuyệt mù sương khói mênh mang Những vết hằn rõ nét trên đôi mắt chàng lãng tử, năm tháng bôn ba trong cuộc lữ duyên tình. Bao nhiêu sợ hãi, ước vọng về tình yêu, về cuộc sống hội tụ và trổi nên sức sống phiêu bồng trong dòng chảy mênh mang của kiếp người, trong cõi nhân gian hòa quyện cùng mưa nắng. Những sợi tơ trời lung linh huyền ảo thả mình, buông nắng. Con người cất lên tiếng nói chứa chan nỗi niềm dâu bể; một cung đàn phổ điệu tình ca phóng vút qua muôn sông ngàn suối, vượt quán xá chiều hôm canh khuya gác trọ với những bóng dáng mờ ảo ngút tận con đường nhận thức cuộc sống. “Vĩnh vi lãng đãng phong trần khách Nhật viễn gia hương vạn lý trình”[1] Con đường truy nguyên thực tại như áng tơ trời băng qua sa mạc trường ca hoang vu, cô tịch. Người lữ khách bước đi trên mặt đất phất phơ tà áo, vươn tay níu bầu trời, uống giọt sương mờ ảo, thở hiu hắt từng ngụm khói đá xanh; lòng lắng lòng, từ trong sâu thẳm tiếng nói vọng về như bản hòa tấu dịu êm, du dương. Từ đó, bóng dáng con người đích thực hiển hiện rõ ràng như thị giữa chiêm bao mộng mị. Con đường đã được khai quang thông suốt Tài – Mệnh – Nghiệp, giải tỏa khúc mắc đã bao năm giày vò tâm tư con người, dày đọa thể xác bé bỏng mong manh. Cánh cửa thời gian mở rộng đưa chúng ta về bầu trời phong kiến, mở ra trước mắt hiện cảnh phong kiến điêu tàn, mục nát. Chính xã hội ấy mà tinh anh là con người với nhiều tâm hành ganh tỵ, ghen ghét đã đày đọa, đun đẩy kiếp người hồng nhan đến vực thẳm linh hồn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại trong dòng chuyển dịch. Như một cổ xe sắp rã mục, nó cố gồng mình để dìm kiếp người tài hoa vào tuyệt lộ thâm u, rùng rợn. Chế độ phong kiến trên đà tan rã, nên không dung nỗi tài hoa. Không gian lồng lộng mà tài hoa không có điểm tựa để tồn tại. Tất cả đều do tâm hồn rộng lớn mà nhỏ bé của con người. Nên Đỗ Thập Nương làm kỹ nữ, Thúy Kiều bán mình, Giả Bảo Ngọc phải uất hận; những người ấy, tình của họ đầy mức thông thường hay cái tệ của lễ nghi cổ hủ, đành phải “khối tình ôm xuống tuyền đài chưa tan”. Xã hội ấy không dung nổi hồng nhan; “hồng nhan bạc mệnh” đâu phải là một thành kiến để thở than, bốn chữ này là bản tổng kết kinh nghiệm ngàn năm sự đời dưới chế độ phong kiến. Do đó, một sợi dây vô hình vương dài ràng buộc những người “đồng hội đồng thuyền”, “nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ ” lại với nhau. Họ cảm thông nỗi niềm đau của nhau: “Son phấn có thần chôn vẫn hận Văn chương không luỵ đốt còn vương”[2] Chế độ phong kiến rất sợ cái tài. Những người có tài không những bị vua bắt phục vụ cho mình mà đôi khi còn bị hại. Cho nên, đến đời nhà Nguyễn có lệ thi không lấy Trạng Nguyên, nghĩa là đến một lúc nào đó cái tài không còn được thừa nhận. Ở đây, chúng ta chưa nói đến cái tài của Kiều, chỉ nói cái tình của Kiều, sức sống say mê sâu sắc ấy cũng đã là điều phiền toái cho trật tự xã hội. Với sức sống này, xã hội phong kiến như ở trên cái thế quân bình không vững vì có sẵn một lực công phá nội tại. Một điều mà đạo đức phong kiến không thể chịu được là Kiều dám yêu trước khi được uy quyền xã hội cho phép. Mê Kiều như Chu Mạnh Trinh, phải thốt lên: “Chỉ vì một tội mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều, trăng gió mắc vào, phồn hoa dính mãi”[3]. Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê. Trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế tất thế nào cũng có sự khám kha bất bình. “Thiên địa gian hữu tuyệt thế tài tình, diệc bất năng vô khảm kha bất bình sự”[4]. Trong Truyện Kiều mâu thuẫn giữa Tài và Mệnh tập trung ở nàng Kiều - con người và số phận. Tài là tài năng và nhan sắc; là tình, là đức hạnh; là những gì tốt đẹp nhất của con người. Có thể nói, Tài là bản chất của con người luôn vươn đến Chân - Thiện – Mỹ. Tài là một gía trị thực tại; do đó nó thể hiện trong con người Kiều như một nội dung hình tượng. Và cũng có thể, tài ở đây chưa hẳn là tài năng, nghĩa là chỉ một khả năng đột xuất phi thường của con người có thể chế ngự được thiên nhiên hay tác động đến những quy luật của xã hội. Nếu quan niệm như thế, chỉ có Từ Hải mới xứng đáng được gọi là có tài. Như vậy cái chết của Từ Hải mới là tài mệnh tương đố. Nhưng ở đây, tác giả không chỉ Từ Hải mà chỉ Thúy Kiều. Nếu quan niệm tài là tài hoa, tài tình; “Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa” thì Kim trọng cũng là người có tài,”nền phú hậu bậc tài danh”. Thế mà Kim Trọng không bị quy luật tài mệnh tương đố chi phối. Có tài chưa chắc khổ, nhờ tài làm thơ mà Kiều được tha bổng hay được cho ra ở Quan Âm Các. Số mệnh là một thực thể siêu hình, nó không có tồn tại và hiệu lực thực tại. “Thực thể siêu hình trong địa hạt tư duy tư biện, địa hạt của những khái niệm trừu tượng và những sự trừu tượng hóa có thể chứng minh là bản chất là sự hiển nhiên nhưng trong thế giới thực tại không thể chỉ ra”[5]. Trong thế giới nghệ thuật Truyện Kiều, sự tồn tại và hiệu lực của Số mệnh không hiển hiện được, ngay sự hiển hiện của Đạm Tiên cũng không ngoài “trận gió cuốn cờ” và “những dấu giày in rêu”. Sự chi phối của Số mệnh không thể không thể hiện một cách gián tiếp thông qua những nguyên nhân trực tiếp và thực tại. Trong thế giới hình tượng Truyện Kiều, lần lượt xuất hiện bọn quan lại, bọn buôn người,những thủ phạm trực tiếp gây ra số kiếp long đong của nàng Kiều. Hiện thân của họ là những đồi phong bại tục. Đây là thực tại của những thiết chế trong xã hội phong kiến suy tàn. Nên mâu thuẫn giữa chế độ phong kiến và bản chất con người là ý nghĩa đích thực, là bản chất của thế giới hiện tượng được mô tả bằng nội dung Truyện Kiều. Nhưng tác giả lại nhận thức với một ý nghĩa siêu hình: bản chất của nó là mâu thuẫn giữa Tài và Mệnh. Tài mệnh tương đố là niềm tin sâu sắc của tác giả. Thi sĩ đã suy nghĩ bằng chính trái tim của mình, ông giải thích cuộc đời bằng số mệnh, đồng thời đứng về phía con người để oán hờn số mệnh. Nhưng cuộc sống thì cụ thể, phong phú, đa dạng, còn chủ nghĩa thiên định có tính cách siêu hình, nên có những lúc ông tỏ ra không nhất quán. Với Nguyễn Du triết luận là suy nghĩ về cuộc đời, cảm khái về cuộc đời, về những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Do gắn bó với con người, với cuộc sống qua kinh nghiệm những năm lang thang và gian truân của mình. Ông đặc biệt thương xót người có tài có tình. Ấy là những nhà thơ nổi tiếng trác tuyệt mà cuộc đời trải qua muôn vàn bất hạnh; là những bậc anh hùng hào kiệt mà thất thế; là những người phụ nữ sắc đẹp khuynh thành mà phải chịu số phận buồn thảm. Trong tư tưởng ông, những lực lượng tàn phá cái hay cái đẹp ông khái quát thành số mệnh. Khi đi thẳng vào vấn đề, Nguyễn Du trở nên lúng túng: “Bạt sơn giang đỉnh nại thiên hà? Túc hận du du kí thiển sa”[6] (Sức mạnh dời núi, trời giúp chăng? Nghìn đời mối hận vùi cát mỏng) hay số mệnh vùi dập Tiểu Thanh: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn Phong vận kì oan ngã tự cư” (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi Cái án phong lưu khách tự mang)[7] Thật vậy, mâu thuẫn này nó lồng qua tác phẩm, đôi khi não lòng giữa tình cảm của một nghệ sĩ với trái tim rung động sâu sắc cùng thực tế của kiếp người phù du, của xã hội khắc nghiệt; và sự suy nghĩ vô hiệu của một nhà triết học siêu hình bế tắc với các khái niệm về số kiếp. Thật ra trong những lúc phẩn chí nhất muốn chống trả vòng vây số mệnh, ông cơ hồ cũng có tìm ra một chút ánh sáng: “Cùng thời tự khả biến phong vân”. Sự mâu thuẫn ở đây là mâu thuẫn trong con người, trong tư tưởng của ông chứ không phải giữa Tài và Mệnh. Đó là mâu thuẫn giữa thực tế và lý tưởng. Lý tưởng con người muốn vươn tới một cảnh sống cao đẹp, giữa những ngày mà chế độ kinh tế, chính trị và trình độ ý thức vẫn ràng buộc cặp cánh tư tưởng lại trong những điều kiện sống gắt gao. Đây là bi kịch trong tâm hồn ông và cũng là sự tố cáo sâu sắc của ông đối với xã hội đương thời. Số mệnh ấy chẳng qua là quy luật thép của xã hội; nó không những giáng lên đầu Kiều mà còn bắt Kiều phải thừa nhận nó. Đó mới là điều nghiệt ngã. Do đó chân lý chỉ chợt lóe lên rồi vụt tắt. Ông uất ức kêu trời rồi chịu, bởi không có lối thoát: “Cập thức bại vong phi chiến tội Không lao trí lực dữ thiên tranh” Theo thuyết Thiên mệnh của Nho giáo, người ta ở đời, giàu nghèo sướng khổ là do số phận định trước bởi trời.”Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên”. Người ta bằng kinh nghiệm ở đời mà suy ra huyền bí của càn khôn và từ ấy, người ta cho tài mệnh không hợp nhau: “Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau” hay như Lý Thương Ẩn nói : “Cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương”. Người ta không chịu tìm nguyên nhân trong xã hội mà lại theo khuynh hướng duy tâm thần bí mà suy ra rằng, sở dĩ có điều bất bình là bởi đạo trời vốn ghét cái trọn vẹn: “Tạo vật đố toàn, tạo hóa kị doanh”. Cho nên cái lẽ “bỉ sắc tư phong” người ta gọi là luật thừa trừ trong kiếp người. Không những Thúy Kiều, Đạm Tiên mà cả Tây Thi, Điêu Thuyền, Chiêu quânđều như vậy. “Hồng nhan tự thưở xưa – Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”. Các tao nhân mặc khách cảm giai nhân khổ sở mà ai oán như vậy. Không những ở phương Đông mà ở phương Tây, xưa nay các thi hào vẫn khóc “má hồng phận bạc” như: Héléne, Héloise, Suy rộng ra, cái luật thừa trừ ấy, trong tư tưởng Tây phương có chỗ tương tự. Luật ấy rất giống luật cân nhắc mà người Hi Lạp xưa tiêu biểu bằng thần thoại Némésis. Thi sĩ Tố Như không phải là nhà Nho thuần túy. Cái tính đa cảm, những kinh nghiệm đau đớn đã khai thông mở lối cho ông. Ông thỏa mãn với luật thừa trừ, nhưng nó chỉ mới là điều nhận xét tuồng như đúng mà chưa cắt nghĩa về lý do. Ông không chịu con người không có trách nhiệm về sự cân nhắc họa phúc của trời. Ông bèn lấy chữ Nghiệp của đạo Phật mà phát huy chữ Mệnh của Nho Giáo. Thúy Kiều tuy là món đồ chơi của vận mệnh nhưng là món đồ chơi có ý thức, chứ không bù nhìn. Nàng đã dự cảm được vận mệnh không ra gì từ lúc còn nhỏ; rồi khi bán mình, nàng thấy sự hi sinh và nghĩa vụ của nàng phù hợp với số mệnh. Có lúc nàng chống lại số mệnh, “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” nhưng không thành đành phải ẩn nhẫn: “Kiếp này nợ trả chưa xong – Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau” hay “Kiếp xưa đã vụng đường tu – Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi”. Nàng lấy Thúc Sinh để thoát nợ lửa nồng, rứa mà bị hành hạ ở nhà Hoạn Thư, nàng đành ”túc trái tiền oan” mà chịu khổ. Rồi trốn Quan âm Các lại rơi vào lầu xanh, thực là, “chạy chẳng khỏi trời”, thôi “phải liều má phấn cho rồi ngày xanh”. Có khi nàng nghiến răng quyền rủa: “Chém cha cái số má đào - Gở ra rồi lại buộc vào như không!”. Cuộc đời nàng như trò đùa dai của số mệnh, trước sau chỉ “nhắm mắt đưa chân – Mà xem con tạo xoay vần đến đâu?” Do bế tắc trong tư tưởng Tài – Mệnh, ông đành mở một lối thoát bằng cách dùng đến chữ Nghiệp trong Phật giáo: “Đã mang lấy nghiệp vào thân Thì đừng trách lẫn trời gần đất xa” Sở dĩ Thúy Kiều có số phận mong manh như vậy; cái bỉ sắc tư phong chỉ là nhận xét bên ngoài; thực ra cái tiềm ẩn bên trong chính là những kết quả, những nghiệp duyên mà nàng đã vun tạo. Nàng đã có cái nghiệp tiềm ẩn bên trong nên từ lời nói cho đến tiếng đàn đều mang âm hưởng khổ đau. Người có cái nghiệp như vậy nên rất đa tình đa cảm; hai cái đó là cái mối vô hình, sợi dây vô tướng để đi vào con đường mà mình đã họa nên: “Nàng rằng: Nhân quả dở dang Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao. Số còn nặng nợ má đào, Người đà muốn chết, trời nào có cho?” Dưới ánh sáng nhân - duyên học, các quan điểm Thiên mệnh, Định mệnh đều bị ngã quỵ, không thể tồn tại mà xưng hùng xưng bá để đày đọa kiếp người. “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao.” Con người trôi lăn là do bởi chính hành vi thất niệm của mình. Con người có tự do trong việc tạo y báo và chánh báo, nhưng với điều kiện là phải có chánh niệm; còn không thì mãi mãi sẽ loanh quanh luẫn quẫn trong vòng mâu thuẫn đố kị, trôi lăn trong quỹ đạo của vòng tròn nhân quả. Chính thi sĩ Tố Như từ những mâu thuẫn trong nội tâm mà phải lênh đênh, “ở không yên ổn – ngồi không vững vàng”. Rốt cùng, ông phải thốt lên “tu là cội phúc”, tức là chuyển hóa các tâm hành để thăng hoa đời sống của mình. Đó là lối thoát duy nhất trong tư tưởng Tài - Mệnh của Nguyễn Du. T.T. [1] Trần Thái Tông, bài kệ Tướng Sanh. [2] Nguyễn Du, Độc tiểu thanh kí, Vũ Tam Tập dịch trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1978. [3] Chu Mạnh Trinh, Thanh tâm tài nhân thi tập tự. [4] Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân, Tự, Sách đã dẫn. [5] Hoàng Ngọc Hiến, Triết lý Truyện Kiều, Tạp chí Văn học, số 2, 1966. [6] Nguyễn Du, bài Sở Bá Vương mộ, Nguyễn Huệ Chi dịch. [7] Nguyễn Du, Độc Tiểu Thanh Kí, Sách đã dẫn.
Tài liệu đính kèm: