Con người trong thơ Hàn Mặc Tử - Nguyễn Thị Hồng Nam

Con người trong thơ Hàn Mặc Tử - Nguyễn Thị Hồng Nam

Con người luôn luôn là vấn đề trung tâm của văn học ở bất cứ thời đại nào. Thơ mới 1932-1945 đã cho chúng ta hình ảnh về con người trong quan hệ tình yêu, trong trạng thái mộng mơ, buồn sầu, cô đơn, đặc biệt đã chú trọng khắc hoạ hình ảnh con người trong tiềm thức. Hàn Mặc Tử là nhà thơ đã có rất nhiều đóng góp về phương diện này. Con người trong thơ ông được cảm nhận qua những mặt sau:

doc 7 trang Người đăng minh_thuy Lượt xem 1412Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Con người trong thơ Hàn Mặc Tử - Nguyễn Thị Hồng Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Con người trong thơ Hàn Mặc Tử
Nguyễn Thị Hồng Nam
Con người luôn luôn là vấn đề trung tâm của văn học ở bất cứ thời đại nào. Thơ mới 1932-1945 đã cho chúng ta hình ảnh về con người trong quan hệ tình yêu, trong trạng thái mộng mơ, buồn sầu, cô đơn, đặc biệt đã chú trọng khắc hoạ hình ảnh con người trong tiềm thức. Hàn Mặc Tử là nhà thơ đã có rất nhiều đóng góp về phương diện này. Con người trong thơ ông được cảm nhận qua những mặt sau:
   1.Con người vũ trụ:
   Một trong những đặc điểm của văn hoá phương Đông là coi con người như  một bộ phận của thế giới “Thiên, Địa, Nhân”, con người là một “tiểu vũ trụ”. Điều này thể hiện trong văn chương thành con người tương thông, tương cảm với thiên nhiên. Từ đó sản sinh ra một đặc điểm nghệ thuật của thơ ca, đặc biệt là thơ ca dân gian và thơ ca trung đại: dùng thiên nhiên làm thứ “ngôn ngữ thứ hai” để miêu tả và diễn đạt các trạng thái tình cảm của con người. Đặc điểm này được tiếp nối và cách tân bởi Thơ mới. Khi Thế Lữ “du hồn” vào thiên nhiên, khi nỗi buồn của Bích Khê “vương cây ngô đồng” hoặc khi Huy Cận cảm ứng với vạn vật “nghìn cây mở ngọn, muôn lòng hé phơi” thì có nghĩa là giữa thiên nhiên và con người còn có sự phân cách. Ơû Hàn Mặc Tử sự phân cách này biến mất, ông hoà nhập hoàn toàn vào thiên nhiên, không phân biệt chủ thể – khách thể. Điều này làm cho thơ ông đậm chất siêu thực. Trong bài “Nói chuyện với Gái quê” ông tự khắc hoạ hình ảnh của mình:
      Ta thường giơ tay níu ngàn mây
         Đi lại lang thang trên ngọn cây.
         Hàn Mặc Tử không làm xiếc ngôn từ, ông thực sự tin và sống với những hình ảnh do mình tưởng tượng ra, hay nói như Chế Lan Viên, ông “không làm thơ mà bị thơ làm”. Do hoà nhập với thiên nhiên, do khí chất con người, Hàn Mặc Tử có những hành động lạ lùng “ngoắt đám mây”, “đuổi theo trăng”, “kìm sao bay” Nỗi đau, nỗi nhớ của con người không phải được diễn tả một cách gián tiếp kiểu “vật mình vẫy gió tuôn mưa” mà được diễn tả bằng tác động trực tiếp của con người tới thiên nhiên, gây ra những ấn tượng rất mạnh, lạ:
         Em xé toang hơi gió
         Em bóp nát tơ trăng
         Em túm muôn trời lại
         Em cắn vỡ hương ngàn
                     (Em điên)
   Đây không phải là việc nhân cách hoá, phú cho sự vật những tình cảm của con người. Nhân cách hoá được thể hiện bằng thủ pháp so sánh, còn Hàn Mặc Tử ít dùng thủ pháp so sánh. Ông coi sự vật hiển nhiên là con người “Thôi rồi ! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát ra được, biết làm thế nào hở Trí? (Chơi giữa mùa trăng). Bởi nếu có sự phân cách giữa chủ thể và khách thể thì khách thể sẽ gợi lên ở chủ thể những ấn tượng, cảm nghĩ theo kiểu “tức cảnh sinh tình”. Hàn Mặc Tử thực sự sống trong đối tượng, trải nghiệm cùng đối tượng. Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý cho rằng trong thơ Hàn Mặc Tử có hiện tượng “người hoá trăng” và “trăng hoá người” mà “người hoá” mọi vật mọi vật đều mang những tình cảm của con người: trời “từ bi cảm động ứa sương mờ”, trăng “choáng váng với hoa tàn cùng ngả”, gió “say ướt mướt trong màu sáng”, hơi nắng “liếm cặp môi tươi” Lối tư duy này gần với lối tư duy của người nguyên thuỷ cổ xưa, đồng nhất con người với sự việc và ngược lại. Trong bài viết có tính chất tuyên ngôn “Nghệ thuật là gì”, ông viết: “Nhưng muốn tìm cái tính cách thiêng liêng của nó (tức nghệ thuật) thì nên đóng vai nghệ sĩ quăng mình đi giữa cái vũ trụ mênh mang rượt nà theo những nguyện vọng cao xa, thì sẽ thấy hình ảnh rõ rệt của Nghệ thuật”. Quan điểm này có phần tương đồng với quan điểm của Xuân Diệu “là thi sĩ nghĩa là ru với gió” Thực tại tẻ ngắt nên các nhà thơ lãng mạn phải đi tìm “cái phi thường” ở ngoài thực tại. Do quan niệm không gian trên cao là nơi “chứa đầy hoa mộng” nên con người trong thơ ông luôn luôn hướng lên cao, khi thì “thần trí dâng cao đến chính trời”, khi “lên chơi cung Quế” Trong tiền kiếp con người là “chim phượng hoàng/Vỗ cánh bay chín tầng trời Đầu Suất”. Hầu như không có hình ảnh con người trên đường, con người ra đi trong thơ của các nhà thơ lãng mạn khác, chỉ có hình ảnh con người bay trong không gian. Dường như càng lên cao, niềm hứng khởi của tác giả càng mãnh liệt:
         Hồn vốn ưa phiêu diêu trong gió nhẹ.
         Bay giang hồ không sót một phương nào.
         Càng lên cao dây đồng vọng càng cao.
                                 (Say thơ)
Con người phân thân, con người trong tiềm thức
   Thời đại mới đã cấp cho con người cái nhìn mới về thế giới xung quanh, về bản thân. Con người trong Thơ mới khao khát khám phá bản thân, họ hay tự hỏi “Ta là ai?” , “Tôi là ai?”. “Họ nhìn sâu vào bản thể mình, tâm hồn mình và có những khám phá lí giải tinh vi. Con người trong thơ Xuân Diệu, Huy Cận là con người thống nhất về linh hồn, thể xác, con người trong thơ Hàn Mặc Tử bị phân đôi:
   Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
   Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực
   Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
                           (Hồn là ai?)
   Sự phân cách hồn xác xuất phát từ cuộc đời tác giả (thân xác bệnh tật bị cách ly với mọi người) và cao hơn thế, phản ánh ước mong của tác giả: giải thoát thân xác hữu hình để tồn tại vĩnh viễn “cho tan ra hoà hợp với tình anh”. Con người bị lạ hoá với bản thân, không hiểu bản thân nên hay tự hỏi: “Hồn là ai? Là ai? Tôi không hay?”. Trong khi Thế Lữ tự gián cách với bản thân nhìn mình một cách khách quan bằng con mắt của người ngoài cuộc “Thế Lữ là anh chàng kỳ khôi” thì Hàn Mặc Tử nhìn mình từ bên trong:
   Hồn đã lạnh, hình như hồn ớn lạnh
   Không buồn về với thể xác đêm nay
                           (Hồn qua đêm)
   Nhà thơ Vũ Quần Phương có một nhận xét khá xác đáng về thơ Hàn Mặc Tử: “Từ Thơ điên ông hoàn toàn quay vào nội tâm để viết, một nội tâm hoàn toàn bị cắt đứt với các sự kiện xã hội, các giao tiếp xã hội, hoàn toàn cô đơn và luôn luôn phải đối mặt với cái chết, luôn luôn bị hành hạ vì nỗi đau thân xác” (1). Có thể nói thêm rằng Hàn Mặc Tử là một trong những người đầu tiên trong lịch sử thơ ca Việt Nam khám phá trạng thái vô thức của con người. Nói cách khác trạng thái vô thức là một trong những đối tượng thơ ca của Hàn Mặc Tử. Đó là một trong những lí do làm cho thơ ông khó hiểu. Điểm qua tựa đề các tập thơ, bài thơ của Hàn Mặc Tử ta thấy rõ điều này: Say nắng, Cao hứng, Say trăng, Nhớ nhung, Máu cuồng, Hồn điênÔng diễn tả trạng thái tinh thần của mình khi nghe nhạc (Đàn ngọc). Miêu tả “Phút thôi miên”, miêu tả cuộc phiêu lưu của hồn “Muôn bóng ý thun dần lên chót vót”, trạng thái cuồng của trí “Trí ta sẽ cuồng lên khoái trá”. Rất nhiều lần ông nói đến giây phút thăng hoa của tinh thần “Thần trí người đã mê man”, “trí rất ngớp bởi chưng xuân hồn hậu” Trạng thái khi say thơ “Cả lòng say tớt khí linh thiêng” và trạng thái tinh thần khi làm thơ cũng trở thành đối tượng miêu tả:
   Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
   Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
   Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt
   Như mê man chết điếng cả làn da
                           (Rướm máu)
   Sáng tạo nghệ thuật với Hàn Mặc Tử thực sự là phát tiết tất cả tinh lực theo đúng nghĩa đen của nó. Những bài thơ miêu tả đời sống vô thức thường có cấu trúc và nhạc điệu đặc biệt, cấu trúc lời thơ hỗn hợp không tuân theo một thể thơ nhất định, câu 6 câu 8 trộn lẫn với câu 5, câu 4 (bài Trăng tự tử), câu 6 câu 5 và câu 7 trộn lẫn với câu 8, câu 4 (bài Ngủ với trăng) Nhạc điệu của cảm xúc, tư tưởng với những tiếng kêu, tiếng cười bật ra từ đời sống vô thức: A ha ! Ha ha ! A ha ha !, tiếng gọi: bay ơi, ớ Địch ơi. Tựa đề của bài thơ cũng là một tiếng kêu: Phan Thiết ! Phan Thiết !
   Con người và sự vật torng thơ Hàn Mặc Tử thường ở trong trạng thái say. Gió “say lướt mướt trong màu sáng”, trăng xuân “tràn trề say chới với”, con người “say kinh cầu nguyện, say trời tương tư”, cả vũ trụ đều ở trong trạng thái quay cuồng “Say, say, say lảo đảo cả trời thơ”. Với trạng thái tinh thần như vậy ta hiểu vì sao thời gian nghệ thuật trong thơ ông chủ yếu là thời gian ban đêm. Đêm là thời điểm thuận lợi nhất cho trí tưởng tượng mãnh liệt của nhà thơ được phát huy cao độ.
   Có lạ lùng chăng khi một con người bị cách ly với thế giới bên ngoài, một tín đồ Thiên Chúa ngoan đạo lại hay nhắc tới khoái lạc? Cũng có khi Hàn Mặc Tử nói tới khoái lạc của đời sống xác thịt, nhưng chủ yếu là khoái lạc tinh thần. Ông tìm thấy khoái lạc trong những giây phút thăng hoa của tinh thần: khi thì thơ, khi “ngoại cảnh hay thâm tâm đồng xáo động”. Ông có một định nghĩa lạ lùng về thơ : “thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời cách biệt” (Quan niệm thơ).
   Sáng tạo nghệ thuật là đem tới những cái lạ, cái người khác chưa từng nói đến, nghĩ đến. Thơ Hàn Mặc Tử đầy rẫy cái lạ. Lạ trong cách nhìn thế giới:
   Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu
   Sau rào khẽ liếm cặp môi tươi
                     (Nắng tươi)
lạ trong cách cảm nhận sự vật: “Ta đã ngậm hương trăng đầy lỗ miệng”, lạ trong trạng thái tinh thần lê mê, rã rời, lướt mướt, điên cuồng trong cách biểu lộ tình cảm: “Say tê trăng sần sượng cả làn da”, trong cách dùng từ, so sánh, liên tưởng: “Xuân trên má nường thơ/ Ngon như tình mới cắn” (Cao hứng), lạ trong cách chuyển ý nhanh và xa, tức thơ ông có sự chuyển kên rất mau lẹ, phản ánh nội lực tinh thần, khả năng liên tưởng mạnh mẽ, chính vì vậy mà Hoài thanh cảm thấy “mệt lả” khi đọc thơ Hàn Mặc Tử. Ở bài “Trăng vàng trăng ngọc” tác giả đi từ ý tưởng “bán trăng” đến “bán đoàn viên, ước hẹn hò” và đến lời hẹn:
      Bao giờ đậu trạng vinh quy đã
      Anh lại đây tôi thối chữ thơ.
      Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ như vậy: Mơ hoa, Lang thang, Ngủ với trăng Điều này làm cho kết cấu một số bài không chặt chẽ, một khổ thơ được dùng hai bài khác nhau. Trong một bài có sự chuyển đổi đại từ nhân xưng: từ ta sang tôi, từ mi đến ta đến tôi
      Đồng thời ông còn có những chuyển đổi rất mau lẹ từ ấn tượng tinh thần đến cảm nhận thể xác. Điều này cho ta thấy giác quan của ông rất nhạy bén. Ông sống thực sự cả tinh thần và thể xác với những cái đang xảy ra. Nhìn trăng ông cảm thấy “ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong ngụm nước lạnh, mát đến tê hết cả lưỡi và hàm răng” (Chơi giữa mùa trăng). Từ nỗi nhớ người yêu đến hành động vô thức “anh đi thơ thẩn như ngây dại” / Hứng lấy hương nồng trong áo em”. Từ trạng thái ghen đến phản ứng xúc giác “miệng lưỡi khô khan hết cả thèm” (Ghen) Sự chuyển biến nhanh chóng của quá trình “ngoại cảnh xâm lấn xác thịt và linh hồn” chi phối sự chuyển đổi đột ngột của ngôn ngữ thơ từ miêu tả sang đối thoại hoặc độc thoại:
      Trong khóm vi lau dào dạt mãi
      Tiếng lòng ai nói sao? Sao im đi
      Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
      Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.
                        (Bẽn lẽn)
      Nhiều nhà nghiên cứu phát hiện Hàn Mặc Tử hay dùng những từ liên quan đến môi, miệng như: nuốt, thèm thuồng, hớp, uống Một mặt ông hớp, đớp, nuốt váng trời, miếng cười, mùi trăng mặt khác lại ợ ra, mửa ra, ọc ra trăng, thơ, hồn, nguồn thơm “Bên đồi ta ợ ra trăng cả/ Ướt áo nhưng mà chưa no nê” (Ý trinh). Sự kết hợp giữa những hình ảnh, từ ngữ vốn rất xa nhau về nghĩa như vậy cho ta thấy tính chất trần tục và thoát tục của thơ Hàn Mặc Tử. Nhà nghiên cứu Bùi Xuân Bào trong bài viết Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mặc Tử lý giải vấn đề trên như sau: “Đối với Hàn Mặc Tử, thi hứng có nghĩa là thi sĩ nhận một luồng cảm hứng từ ngoại giới vào thể xác và tâm hồn, và sau đó thi sĩ biến luồng cảm hứng đó thành lời thơ” (2). Có thể giải thích thêm: ông tiếp nhận tinh hoa từ ngoại giới “đón từ xa một ý thơ” và phát tiết ra thơ bằng tất cả tinh lực chính vì thế mà ông có những vần thơ rướm máu. Và những hành động “cười nói làm sao cho hả hơi”, “cắn lời thơ để máu trào” giống như là sự giải thoát những ẩn ức, tâm trạng hoặc nỗi đau đè nặng trong lòng.
      3.Con người mơ ước:
      Thơ Hàn Mặc Tử cũng như thơ của các nhà thơ lãng mạn khác, tràn đầy mộng ước. Họ coi đó là một trong những cách phủ nhận thực tại. Xuân Diệu tự coi mình là “con chim đến từ núi lạ”. Huy Cận tự khắc hoạ hình ảnh của mình là “chàng trai gối mộng trên trang sách”, Hàn Mặc Tử coi mình là “người trong mộng”. Thân xác càng đau đớn cái chết càng đến gần, mộng ước càng cháy bỏng. Hàn Mặc Tử không chỉ mơ mộng, ông thực sự sống trong mộng không phân biệt cái thực và cái ảo “Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ”. Vì sao Hàn Mặc Tử hay mơ ước như vậy? Thực tế đời ông không cho phép ông sống trong cuộc sống bình thường như mọi người, ông chỉ có thể yêu trong mộng, sống trong mộng. Nhưng dù cho số phận của ông không khắc nghiệt đến như vậy thì ông cũng không thể thoả mãn với thực tế. Ông luôn mang cảm giác khát, thèm nhưng không phải là đói cơm, khát nước như có người lầm tưởng. Ông “khát miếng chung tình”, khát khao thèm thuồng “những vật lạ muôn đời” nghĩa là khát khao cái Tuyệt đối, Vô biên, cái không có trong cuộc sống trần thế “Tôi tìm ánh nắng vạn đời vương”. Vì thế con người ấy phải đi tìm nó ở Đức Chúa Trời, tức ở một “cõi trời cách biệt”, ở thế giới ước mơ hay còn gọi là Thiên Đàng trong niềm tin của một tín đồ Thiên chúa giáo để có thể “hưởng cái thơ khác nữa”. Thế giới thơ của ông là “bến xa mơ”, “nẻo mơ”, “xứ mộng”. Trong khi các nhà thơ khác mơ về quá khứ thì thế giới mộng của Hàn Mặc Tử nằm ở niềm tin, ở ảo giác của ông, nằm ngay trong hiện tại:
      Từ đầu canh một tới canh tư
      Tôi thấy trăng mơ biến hoá như
      Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng
      Cứ là mỗi phút mỗi nên thơ.
                        (Huyền ảo)
      Điều này giải thích vì sao thơ Hàn Mặc Tử ít có kết cấu tương phản kiểu xưa – nay, gặp gỡ – chia ly . như thơ của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Thế Lữ. Các nhà thơ này dùng kết cấu tương phản để bộc lộ sự thất vọng với thực tế trong khi thơ Hàn Mặc Tử tràn đầy niềm mong đợi về một mùa “xuân như ý”. Chính vì vậy nên dù thơ của ông là thơ của một con người ý thức rõ cái chết đang đến gần nhưng thơ không gợi lên cảm giác bi quan tối tăm như thơ vũ Hoàng Chương. Những từ ngữ tiêu tán, biến hoá, tan. Trong thơ không mang cái nghĩa thông thường của nó: cái chết, sự tàn lụi mà là sự biến hoá của vật chất từ dạng này sang dạng khác:
      Nước hoá thành trăng ra nước
      Lụa là ướt đẫm cả trăng thâu
                        (Huyền ảo)
      hoặc là sự hoà hợp, nhất thể của vật chất, của thân xác đau thương trong một thế giới khác.
      Một hồn đau rã lần theo hương khói
      Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi
      Một lời run hoi hóp giữa không trung
      Cả niềm yêu ý nhớ, cả một vùng
      Hoá thành vũng máu đào trong ác lặn. 
      Đấy là tất cả người anh tiêu tán
      Cùng trăng sao bàng bạc xứ say mơ
      Cùng tình anh tha thiết như văn thơ
      Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế.
                              (Trường tương tư)
      hoà tan thành một thể mới để chiến thắng thế giới vật chất hữu hình, để trương tồn mãi cùng vạn vật:
      Chúng ta biến em ơi, thành thanh khí
      Cho tan ra hoà hợp với tình anh
      Của trời đất, của muôn vàn ý nhị
      Và tình ta sáng láng như trăng thanh.
                        (Sáng láng)
      4. Con người cô đơn, đau đớn:
      Con người cô đơn là một motif quen thuộc của thơ lãng mạn. Xuân Diệu, Nguyễn Bính cô đơn vì không tìm thấy sự chia sẻ, cảm thông của ngoại giới “Thôn đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn đoài nhớ giầu không thôn nào”. Hàn Mặc Tử cô đơn vì bị cách ly khỏi thế giới: “Anh nằm ngoài sự thực/ Em nằm trong chiêm bao”. Khoảng cách chia ly trong thơ ông không phải là sự chia cắt trong một không gian giới hạn như bên ấy, bên này, thôn Đoài, thôn Đông mà là sự chia cắt trong hai không gian hoàn toàn cách biệt ngoài sự thực, trong chiêm bao, ngoài mây nước, bên kia trời Chính vì khoảng cách không gian vô cùng như vậy mà nỗi cô liêu của con người càng trở nên khủng khiếp “một vũng cô liêu cũ vạn đời”. Những đau thương thể xác và tinh thần của ông bộ lộ thành tiếng nấc, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng rú. Đó là nỗi đau sâu sắc, trần trụi, mang tầm vóc vũ trụ: “Nghệ hỡi Nghệ, muôn năm sầu thảm/ Nhớ thương còn một nắm xương thôi” (Muôn năm sầu thảm). Nỗi đau được diễn tả bằng nhịp điệu của sự cuồng trí vô vọng:
      Anh nuốt phứt hàng chữ
      Anh cắn vỡ lời thơ
      Anh cắn cắn cắn cắn
      Hơi thở đứt làm tư.
                  (Anh điên)
      hoặc bằng nhịp điệu buồn thấm thía:
      Rao rao gió thổi phương xa lại
      Buồn đâu say ngắm áo xuân ai.
      Lay bay lời hát, ơ buồn lạ
      E buồn trong mộng có đêm nay.
                        (Buồn ở đây)
      Từ điểm nhìn của con người bi quan các nhà Thơ mới hay nói đến cái chết. Cái chết ngang trái của những người trinh nữ “hồng nhan bạc mệnh”, “cái chết lạnh lẽo không giọt nước mắt của người đời xót thương Trong thơ Hàn Mặc Tử còn có những cái chết kì dị, lạ thường Mây chết đuối, trăng tự tử. Phải chăng đó là nỗi ám ảnh về cái chết đang đến gần với tác giả, và phải chăng cũng từ thực tế của thân xác đau thương mà trong thơ ông có nhiều hình ảnh máu đến thế? Làn môi thiếu nữ tươi như máu, mặt nhật tan thành máu, gánh máu, máu đang tươi
      Cuộc đời trong quan niệm của các nhà thơ lãng mạn là sự dở dang, không trọn vẹn. Thơ Hàn Mặc Tử cũng nằm trong cảm hứng ấy. Cũng như Xuân Diệu, ngay khi sự sống đương hồi mơn mởn trong mùa xuân tươi thắm là thế Hàn Mặc Tử đã nhìn thấy cái kết cục ảo não của nó:
      Sóng cỏ xanh tươi gợm tới trời
      Bao cô thiếu nữ hát bên đồi
      Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
      Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
                        (Mùa xuân chín)
      Một trong những tiêu chuẩn để đánh giá tài năng nghệ sĩ là cái lạ, cái độc đáo. Sáu mươi năm trước, đọc thơ Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh viết: “Ta chỉ thấy trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn”. Thơ ca Hàn Mặc Tử lạ trong cách suy nghĩ, lập ý, so sánh, trong cách dùng từ ngữ, hình ảnh. Và cái lạ nhất là một con người phải trải qua những nỗi đau thể xác và tinh thần ghê gớm như vậy nhưng giọng thơ nói chung không bi quan mà luôn mơ ước, hướng tới thế giới vĩnh hằng “tứ thời xuân non nước” và cũng là con người đã viết ra một trong những vần thơ trong sáng nhất của thơ ca Việt Nam:
      Trong làn nắng ửng khói mơ tan
      Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
      Sột soạt gió trêu tà áo biếc
      Trên giàn thiên lý bóng xuân sang
                  (Mùa xuân chín).
      CHÚ THÍCH
Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca. Chủ biên Huy Cận, Hà Minh Đức – NXB Giáo dục 1993, trang 130.
Trích dẫn theo Phan Cự Đệ – Thơ văn Hàn Mặc Tử – NXB Giáo dục 1993, trang 439.

Tài liệu đính kèm:

  • docCon nguoi trong tho Han Mac Tu.doc