Không gian nghệ thuật (KGNT) là khái niệm của thi pháp học chỉ “hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, là sự mô hình hoá thế giới của tác giả. KGNT trong tác phẩm mang tính biểu trưng và quan niệm” [6/120]. Do đó, thông qua việc tìm hiểu KGNT, chúng ta có thể hiểu được quan niệm thẩm mĩ, trình độ tư duy cũng như tâm lí sáng tạo của con người ở những thời điểm và địa điểm mà tác phẩm ra đời.
Khái niệm KGNT đã được ứng dụng để tìm hiểu nhiều loại hình văn học khác nhau, trong đó có truyện cổ tích (TCT). Việc áp dụng một phương diện tiêu biểu của thi pháp học vào một đối tượng lớn và quen thuộc như truyện cổ tích đã đem lại nhiều thành tựu. Những nhà nghiên cứu, nhà thi pháp học đã đưa ra nhiều nhận định về đặc điểm của KGNT truyện cổ tích và quan đó phần nào tìm hiểu được tư tưởng, quan niệm của nhân dân về thế giới, về cuộc sống và về chính bản thân con người.
TÍNH HAI MẶT CỦA KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRUYỆN CỔ TÍCH Nguyễn Việt Hùng Không gian nghệ thuật (KGNT) là khái niệm của thi pháp học chỉ “hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, là sự mô hình hoá thế giới của tác giả. KGNT trong tác phẩm mang tính biểu trưng và quan niệm” [6/120]. Do đó, thông qua việc tìm hiểu KGNT, chúng ta có thể hiểu được quan niệm thẩm mĩ, trình độ tư duy cũng như tâm lí sáng tạo của con người ở những thời điểm và địa điểm mà tác phẩm ra đời. Khái niệm KGNT đã được ứng dụng để tìm hiểu nhiều loại hình văn học khác nhau, trong đó có truyện cổ tích (TCT). Việc áp dụng một phương diện tiêu biểu của thi pháp học vào một đối tượng lớn và quen thuộc như truyện cổ tích đã đem lại nhiều thành tựu. Những nhà nghiên cứu, nhà thi pháp học đã đưa ra nhiều nhận định về đặc điểm của KGNT truyện cổ tích và quan đó phần nào tìm hiểu được tư tưởng, quan niệm của nhân dân về thế giới, về cuộc sống và về chính bản thân con người. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu người Nga - Likhchep đã dành nhiều công sức cho việc khảo sát tư liệu văn học Nga cổ, trong đó có phần lớn TCT. Ông đã đưa ra nhận xét “KGNT của TCT Nga mang tính không chống đối (cản trở) của môi trường vật chất, tức là tính siêu dẫn của KG [6/124]. Trong KGNT đó “nhân vật di chuyển, giao tiếp không bị trở ngại”, kể cả “những trở ngại về mặt tâm lí”. Các nhà nhiên cứu văn học dân gian (VHDG) Việt Nam, bằng con đường thi pháp học (qua các công trình cụ thể của Đỗ Bình Trị, Lê Trường Phát [3/40] đều thống nhất ở quan niệm: TCT xây dựng hai loại không gian chủ yếu là “không gian trần thế và không gian kì ảo”. Đây là hai khái niệm cơ bản và được ứng dụng nhiều nhất khi nghiên cứu về KGNT truyện cổ tích (các luận văn, luận án tìm hiểu về KGNT truyện cổ tích thường khai thác theo hướng “Không gian kì ảo”) Có thể nói rằng, những nhà nghiên cứu quan tâm đến truyện cổ tích đã đưa ra những khái niệm của riêng mình, hoặc dựa vào khái niệm của người đi trước để chứng minh những đặc điểm của KGNT truyện cổ tích. Sự mở rộng các khái niệm KGNT của TCT là cần thiết nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên nhìn lại để có sự đánh giá khái quát hơn, xây dựng một quan niệm chung trong một chừng mực nhất định có thể bao trùm lên phạm vi nghiên cứu (KGNT TCT). Chính vì vậy, chúng tôi muốn đặt vấn đề khái quát đặc điểm của KGNT truyện cổ tích dựa trên thành quả nghiên cứu của những tác giả đi trước, đặc biệt là từ gợi ý trong công trình của V.Ia. Prôp [5/235]. Bằng cái nhìn biện chứng xem xét đối tượng, chúng tôi đưa ra nhận định như sau: KGNT của truyện cổ tích mang tính chất hai mặt. Các đặc điểm của KHNT truyện cổ tích là những đặc điểm vừa thống nhất vừa đối lập với nhau, ví dụ như : - Không gian kì ảo và không gian hiện thực - Không gian cản trở và không gian phi cản trở - Không gian điểm và không gian tuyến tính Trong mỗi cặp không gian trên đều có sự đối lập với nhau nhưng đồng thời chúng lại thống nhất với nhau. Bởi vì đó là các phương diện của không gian nghệ thuật, làm nên chỉnh thể không gian truyện cổ tích mà thiếu đi một trong hai vế thì đối tượng không toàn vẹn và không còn là “mô hình về thế giới” của thể loại, đồng thời, chúng ta cũng không có cái nhìn đầy đủ về KGNT của truyện cổ tích. Chúng tôi xem xét vấn đề dựa trên tư liệu TCT thần kì người Việt. Sau đây, chúng tôi trình bày những quan niệm cơ bản về các loại hình không gian đã đề cập ở trên: 1. Không gian kì ảo và không gian hiện thực Không gian hiện thực là không gian của cuộc sống trần thế, biểu hiện cụ thể trong truyện cổ tích người Việt là không gian làng quê. Dấu ấn làng quê Việt Nam in đậm trong nhiều truyện cổ tích, “đem lại cho thế giới cổ tích hơi ấm nhân sinh, màu sắc dân tộc, dân dã” [3/45]. Đặc điểm này cho thấy, truyện cổ tích người Việt là sản phẩm tinh thần đích thực của nhân dân lao động, mang đậm thế giới quan, cách nhìn của người nông dân. Màu sắc cung đình, những dấu hiệu của triều đại phong kiến ít có mặt trong truyện cổ tích người Việt. Khi khảo sát cấu trúc TCT người Việt theo lí thuyết hình thái học TCT của Prôp, hai tác giả Trần Đức Ngôn và Tăng Kim Ngân gặp gỡ nhau ở nhận định: TCT người Việt ít có loại nhân vật vua, công chúa, hoàng tử (nếu có thì cũng không phải là nhân vật chính) [2/141]. Điều này khác với tư liệu TCT dân tộc Chăm (có lẽ do dấu ấn của các vương triều Chămpa cổ). Thậm chí, ở TCT người Việt, những dấu hiệu của cung đình cũng bị dân dã hoá một cách triệt để: cung vua có sào, bờ rào phơi quần áo, khung cửi, xoan đào mắc võng, nhà vua ghé quán nước ăn trầu (“Tấm Cám”); ông vua gánh hành rao bán (“Lọ nước thần”) Đó là khung cảnh của làng quê Việt Nam mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra. Trong TCT người Việt, ít có sự lộng lẫy tráng lệ màu sắc của không gian cung đình mà nổi bật lên vẫn là không gian làng quê. Thậm chí trong những truyện có nhiều chặng thử thách đặt ra với nhân vật như Người lấy cóc thì anh học trò và vợ trải qua rất nhiều thử thách nhưng bối cảnh chỉ diễn ra trong làng quê của nhân vật: từ nhà đến cánh đồng, đến trường học. Với kiểu truyện về cuộc hành trình đi tìm hôn nhân của nhân vật thì TCT thường có xu hướng mở rộng không gian để thấy được tính chất li kì hấp dẫn cũng như những khó khăn, trở ngại trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của con người. Trong ví dụ trên và nhiều TCT người Việt, chúng ta không thấy có những biểu hiện đó. Nhưng dù đó là không gian làng quê mang tính hiện thực thì đó cũng không phải là bản thân hiện thực. Bởi vì, khi đi vào tác phẩm văn học, những chi tiết đã trở thành những tín hiệu thẩm mĩ; không gian xác định bằng toạ độ, bằng kích thước, vị trí cụ thể ngoài cuộc sống trở thành KGNT và do đó nó mang tính biểu trưng và ước lệ. Không gian hiện thực đó cũng có nghĩa là KG của sự sống, nơi diễn ra các hoạt động của con người. Dù trong không gian ấy có đau khổ, áp bức, bất công và nhân dân không thực hiện được ước mơ của mình (thường là không gian kì ảo mới là nơi gửi gắm và thực hiện những ước mơ của con người – sẽ trình bày ở phần sau) nhưng con người phải chấp nhận. Và ở đây chúng ta thấy một khía cạnh thú vị trong tư duy nghệ thuật, trong quan niệm của thời đại truyện cổ tích: con người chấp nhận thực tại, đấu tranh với hiện thực khốc liệt để khẳng định bản chất “NGƯỜI” của mình. Đó là trường hợp Từ Thức từ cõi tiên về trần thế, chấp nhận tuổi già và cô đơn vì nơi đó có gia đình, làng xóm, có cuộc đời thực của anh ta; là chàng Ngưu dẫn con về trần gian; là những nhân vật thần tiên chấp nhận đánh đổi sự trường sinh ở trên trời để làm con người bình thường nơi trần thế. Thậm chí, người vợ trong “Sự tích con sam” không giấu nổi nỗi vui sướng khi tìm được chồng, đưa về quê nhà, để đến nỗi vi phạm điều cấm kị khiến hai vợ chồng đều chết Nhưng vượt qua những đau khổ, mất mát, họ hướng tới cuộc sống thực tại, trở về không gian đời thường vì ở đó có tình yêu thương của con người. Đó là quan niệm hết sức sâu sắc và giàu giá trị nhân văn của TCT. Tính quan niệm của không gian làng quê trong TCT cũng được khẳng định ở một phương diện khác: không gian làng quê gắn với sự sống, yên ổn (dù là tạm thời). Bởi vì không gian xa xôi cũng gắn với sự bất trắc, là dấu hiệu của tai họa và cái chết: ba anh em trong “Trầu cau” ra đi khỏi nhà dẫn tới cái chết; Thủ Huồn ra đi đến Âm phủ; Thạch Sanh đi khỏi gốc đa là đối diện với nguy hiểm, lừa lọc; Cuội đi làm xa nhà dặn vợ những bất trắc có thể xay ra ở nhà; Sọ Dừa ra đi dự cảm được những tai họa sắp đến; con quạ mang bức tranh đi xa (sang KG khác) gây tai họa cho hai vợ chồng (Lọ nước thần) Nhân vật của TCT dường như thuộc về một không gian nhất định mà KG đó quy định đặc điểm, tính cách cũng như quyết định số phận của nhân vật. Con người có sự hài hoà với KG thân thuộc. Cho nên, sau khi gặp nhiều tai họa ở trong cung, Tấm trở về quán nước bà lão và tìm thấy sự yên bình trong cuộc sống nơi thôn dã đó. Bên cạnh không gian hiện thực, TCT xây dựng một kiểu KG mang tính đặc trưng là KG kì ảo. Không gian kì ảo là sự sáng tạo mang tính nghệ thuật của con người nhưng chịu sự chi phối của những quan niệm tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là quan niệm về tính nhiều tầng của thế giới: Thế giới Thiên đình, Thuỷ phủ, Âm phủ Những hình thức không gian đó không tồn tại trong thực tế nhưng nó tồn tại trong ý thức, trong quan niệm của con người, nó mang tính chất biểu trưng, đúng như Gurevich đã nhận xét: “Đôi khi chúng ta không ý thức được rằng thời gian và không gian không chỉ tồn tại một cách khách quan, chúng còn được con người ý thức và thể nghiệm một cách chủ quan” Những khái niệm không gian bao giờ cũng bị quy định bởi nền văn hoá của nó” [1/31]. Do đó, bên cạnh KG hiện thực, KG kì ảo cũng thể hiện được những yếu tố về tư duy, quan niệm và ước mơ của nhân dân lao động. Thứ nhất, KG kì ảo là những ước mơ, khát vọng của con người. Ở đó có hạnh phúc và sự bất tử (Từ Thức), có những vật báu kì diệu đem lại hạnh phúc (cây đàn trong Thạch Sanh), có vàng bạc châu báu đem lại sự giàu sang (hòn đảo trong “Cây khế”) Nói chung là ở thế giới kì ảo con người có thể tìm được tất cả những điều tốt đẹp, sung sướng mà họ không bao giờ có được ở thế giới hiện thực. Thứ hai, KG kì ảo là thước đo phẩm chất của con người. Chính vì KG kì ảo là nơi chứa đựng những ước mơ giàu sang, hạnh phúc của con người cho nên không phải ai cũng có thể đến được KG đó. Chỉ có những người đã qua thử thách, bộc lộ được phẩm chất tốt đẹp, trung thực, dũng cảm thì mới đến được KG kì ảo, được đền đáp, và có kết thúc có hậu: vì cứu được Thái tử con vua Thủy Tề mà Thạch Sanh đi xuống Thủy cung, nhận được phần thường là cây đàn thần kì Những biểu tượng KG đó mang tính chức năng, đó là môi trường thử thách để ban thưởng hoặc trừng phạt nhân vật. Trong TCT, hai loại KG đó (hiện thực và kì ảo) luôn tồn tại, đan xen vào nhau, có quan hệ với nhau. Sự tồn tại của mỗi loại KG này không thể tách rời với loại KG kia và ngược lại. Nhưng dù là KG kì ảo hay KG hiện thực thì KGNT của TCT cũng mang tính chức năng và mang tính quan niệm. Đó là những phương tiện để chuyển tải những quan niệm về thế giới, về con người. Đồng thời, chúng cũng tạo nên sự cân bằng trong tâm lí con người, giúp con người giải toả những áp lực trong cuộc sống, mơ ước hướng tới thế giới tương lai. 2. Không gian cản trở và không gian phi cản trở Chúng ta vẫn thường đề cập đến yếu tố KGNT trong TCT, phân tích những hình thức tồn tại cũng như tính quan niệm của nó. Nhưng nhiều khi, chúng ta thấy rằng dường như KG của TCT không tồn tại, Likhachep đã gọi đó là tính phi cản trở của KG TCT. Prôp đã nhận định rằng KG “có trong truyện cổ, nó là một thành phần cấu trúc không thể thiếu được. Mặt khác, nó dường như hoàn toàn vắng mặt” [5/235]. Khi nói đến KG cản trở và KG phi cản trở là chúng ta gắn KGNT với những hành động của nhân vật. Sự cảm nhận của chúng ta về những loại hình KG này cũng thông qua việc tìm hiểu các hành động của nhân vật. KG cản trở là loại KG gây ra những trở ngại trong quá trình di chuyển của nhân vật, KG chứa đựng những thử thách, những kẻ thù ngăn cản đường đi của nhân vật. Loại KG này thường có mặt trong kiểu truyện dũng sĩ, trong những dạng tr ... KGNT của TCT mang tính chất quan niệm và ước lệ. KG không cản trở giúp cho nhân vật trung tâm dễ dàng đến được với thế giới mơ ước, đạt được khát vọng của con người. Đúng như lời bình của Gorki: “Trong truyện cổ tích, người ta bay trên không trung, ngồi lên tấm thảm biết bay, đi hài bảy dặm, phục sinh những người đã chết nói chung truyện cổ tích đã mở ra trước mắt tôi cánh cửa sổ để trông vào cuộc sống khác – trong đó có lực lượng tự do không biết sợ đang tồn tại và hoạt động mơ tưởng đến cuộc đổi đời tốt đẹp hơn”. 3. Không gian điểm và không gian tuyến tính “Điểm” và “tuyến tính” vốn là những khái niệm hình học. Những nhà nghiên cứu thi pháp học vận dụng chúng như là những khái niệm của không gian nghệ thuật, chỉ tính chất của KGNT. Theo “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên), nghĩa danh từ của từ “điểm” có 7 nghĩa, chúng tôi chú ý nghĩa thứ 3: “điểm là phần không gian, nơi nhỏ nhất có thể hạn định được một cách chính xác, xét về mặt nào đó” [4/323]. Chúng tôi hiểu không gian điểm là loại không gian có tính chất cố định, tĩnh tại và nhỏ hẹp, chỉ gồm một địa điểm, không có sự mở rộng theo chiều dài. Do đó, hoạt động của nhân vật trong môi trường không gian này bị bó hẹp, có khi chỉ diễn ra trong một ngôi nhà, một ngôi làng, một đỉnh núi, một góc rừng Cũng theo từ điển trên, tuyến tính là danh từ được hiểu là tính chất nối tiếp nhau theo đường thẳng [4/1049]. Không gian tuyến tính là khoảng không gian trải dài, gồm nhiều điểm kết hợp với nhau tạo nên môi trường hoạt động mang tính chất rộng lớn, nhân vật có thể di chuyển đi từ điểm này đến điểm khác. Đến mỗi điểm dừng, hành động của nhân vật diễn ra và thúc đẩy cốt truyện phát triển. Không gian điểm là loại không gian đặc trưng của thần thoại và kịch. Trong thần thoại, mỗi vị thần có một địa điểm hoạt động nhất định, mỗi vị thần cai quản một nơi. Dù họ có di chuyển từ nơi này qua nơi khác nhưng mỗi hành động thường chỉ diễn ra ở một nơi: Sơn Tinh là thần núi Ba Vì, thần biển là con rùa khổng lồ chỉ nằm yên một chỗ, thần Trụ trời đứng lên chống bầu trời Thậm chí thần Lúa trước đây tự đi về nhà người nông dân nhưng về sau thần không chịu đi đâu nữa chỉ đứng một chỗ Nhưng đến giai đoạn sau (thần thoại suy tàn, giao thoa với loại truyền thuyết và sử thi, truyện cổ tích) thì không gian điểm dần dần phát triển thành không gian tuyến tính. Nhân vật luôn có xu hướng mở rộng địa bàn hoạt động: Sơn Tinh trở thành tướng, con rể vua Hùng, lập nhiều chiến công; sự tích và chiến công của ông Đùng trải dọc theo hai bở sông Đà Trong khi đó, không gian tuyến tính xuất hiện trong nhiều thể loại VHDG đặc biệt là truyền thuyết và sử thi. Đó cũng là môi trường hoạt động mang tính chất ưa thích của các nhân vật anh hùng. Loại không gian này phù hợp với tính chất anh hùng, nhằm ca ngợi những chiến công kì vĩ, nhân vật truyền thuyết và sử thi không ngừng mở rộng không gian của mình: Gióng là đại diện cho sức mạnh cộng đồng chống ngoại xâm, mà dấu tích chiến công của ngài trải dài khắp vùng trung châu Bắc Bộ; Lí Thường Kiệt không chỉ được biết đến như là người anh hùng làm nên chiến thắng bên sông Như Nguyệt mà ông dấu chân của ông còn in đậm trên vùng đất phía bắc của Tổ quốc, trong những truyền thuyết dân gian của đồng bào Tày – Nùng; nhân vật Trần Hưng Đạo trở thành trung tâm của hệ thống truyền thuyết và tín ngưỡng có mặt ở hầu hết các địa phương Bắc Bộ; con đường truyền thuyết về Lê Lợi cũng trải dài từ Thanh Hoá ra Thăng Long Bước sang thể loại truyện cổ tích, KGNT không chỉ có một loại mang tính đặc thù mà nó là sự kết hợp của nhiều loại hình KGNT, trong đó đặc biệt là sự kết hợp của KG điểm và KG tuyến tính. Trong mối quan hệ đó, KG điểm đóng vai trò nòng cốt, bởi vì cũng như trong hình học, điểm thường không được định nghĩa mà nó là đơn vị cơ bản dùng để xây dựng (định nghĩa) các phạm trù khác. Do đó, KG điểm được xem như một thành tố cấu tạo nên KG tuyến tính và cùng với KG tuyến tính xác lập mô hình không gian thế giới. Trong quá trình phát triển để kết hợp tạo thành KG tuyến tính thì KG điểm được chú ý đặc biệt vì “mọi sự phát triển đều có những điểm dừng và những điểm dừng đó được gia công chi tiết” [5/235]. Trong TCT Việt Nam, KG điểm được thể hiện rất phong phú, đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Có thể nói, đây là dạng KG phổ biến nhất của các TCT. TCT sinh hoạt và TCT loài vật đều có KG phổ biến là các địa điểm và những hoàn cảnh cụ thể. Trong TCT thần kì, những dạng truyện “sự tích” thường diễn ra ở một địa điểm nhất định nào đó, nhân vật thường ít khi di chuyển: Sự tích cây huyết dụ, Sự tích chim hít cô, Sự tích chim tu hú, Sự tích con khỉ Đặc điểm này có thể nhận thấy thông qua việc tìm hiểu cấu tạo cốt truyện của TCT thần kì. Theo tác giả Tăng Kim Ngân, cấu tạo cốt truyện của TCT người Việt hết sức đơn giản, thường không có nhiều chức năng (theo lí thuyết về 31 chức năng của Prôp). Đáng chú ý là một số chức năng xuất hiện thưa thớt như: sự biến hình, sự giao tranh, chuyến viếng thăm bí mật, sự truy nã, sự thoát thân Mà những chức năng này liên quan đến sự di chuyển trong không gian của nhân vật. Mặc dù chức năng “sự ra đi – từ giã” xuất hiện 38/33 truyện [2/143] nhưng chúng tôi cho rằng hình thức ra đi của nhân vật trong TCT người Việt là không điển hình, không tạo nên biến cố lớn của cốt truyện và nhiều khi đó là “sự ra đi giả”. Sở dĩ chúng tôi dùng khái niệm “sự ra đi giả” vì trong TCT người Việt, nhiều khi nhân vật ra đi không phải là sự dấn thân vào môi trường nguy hiểm, đối diện với những thử thách (kiểu như ra đi giải cứu những người anh – bầy chim thiên nga, ra đi tìm ba quả táo vàng, ra đi giải thoát công chúa như TCT phương Tây). Sự ra đi của nhân vật nhiều khi chỉ vì tình thế bắt buộc, để thoát khỏi hoàn cảnh trước mắt, bản chất của nó có thể gọi là “sự vắng mặt tạm thời”. Những chi tiết dạng này gần gũi với thể loại kịch: nhân vật hết vai diễn nhường sân kháu lại cho nhân vật khác thể hiện. Sự ra đi điển hình theo đúng nghĩa của chức năng này là nhân vật phải làm chủ hành động ra đi và cốt truyện phát triển trên cơ sở khai thác việc ra đi của nhân vật. Nhưng ở nhiều TCT người Việt, nhân vật tuy là có “sự ra đi” nhưng cốt truyện vẫn kể diễn biến ở địa điểm ban đầu, gắn với hành động của những nhân vật khác: + Người chồng vì nghèo đói ra đi, vợ ở nhà lấy người chồng khác giàu có, ba năm sau chồng cũ trở về (vẫn nghèo đói – ra đi không có sự đổi đời: đó là “sự ra đi giả”) – Sự tích ba ông đầu rau. + Người chồng ra đi biệt tăm, người vợ đau khổ, chờ chồng đến hoá đá - Sự tích Vọng phu + Sọ Dừa lên kinh thi, câu chuyện tiếp diễn với người vợ ở nhà. – Sọ Dừa Như vậy, nhân vật có sự ra đi, có sự di chuyển địa điểm trong không gian nhưng sự tồn tại của “không gian tuyến tính” chỉ mang tính hình thức và không tiêu biểu : Tấm từ nhà vào cung nhưng tính chất dân dã của không gian làng quê cũng như những nguy hiểm luôn rình rập cô thì không thay đổi (Tấm Cám). Chính vì không gian hoạt động của nhân vật không thể mở rộng theo chiều dài, chiều rộng (tức là theo trục ngang) cho nên tư duy TCT đã mở rộng không gian theo trục dọc. Có nghĩa là từ một điểm bao đầu soi chiếu lên các tầng không gian khác (Thiên đường, Âm phủ, Thủy cung), chúng ta có các điểm tương tự ở các không gian đó. Đây cũng chính là cơ sở của tính biểu trưng của KG kì ảo, là sự mô hình hoá, là sự soi chiếu của KG trần thế, của thế giới trần tục mà thôi. Những thế giới kì ảo đó mang tính chất, đặc điểm của đời sống con người, mang quan niệm của thời đại TCT về thế giới, về cuộc sống. Sự mở rộng KG có mặt trong TCT nhưng nhân vật của TCT không có xu hướng chiếm lĩnh KG như trong sử thi mà con người trong TCT vẫn xem mình như một phần của KG, lấy KG để soi chiếu bản thân mình. Cho nên, nhân vật di chuyển trong KG để mong muốn thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận và nhân vật thụ động trước những môi trường KG khác. KG quyết định hành động và số phận của nhân vật: Ví dụ khi đi trong thế giới âm phủ (hay thủy cung) nhân vật không được nói cười; ở Âm phủ, Thủ Huồn phải chịu sự trừng phạt Cho nên, nhiều khi nhân vật không có đủ bản lĩnh để thay đổi KG, thay đổi môi trường sống của mình : Hồ sinh ăn miếng trầu được đưa đến một thế giới kì ảo mà anh được làm quan nhưng sau đó lại bị bắt giam. Khi tỉnh dậy, anh không dám đi đến kinh đô nữa, từ bỏ hằn giấc mộng làm quan mà chí thú làm ăn trên ruộng đất của mình (Miếng trầu kì diệu). Trong TCT, ngoài hình thức “KG tuyến tính giả” như trên, nhiều truyện có hình thức KG tuyến tính đích thực. Đó là dạng KG ở trong truyện: Hai cô gái và cục bướu, Cây khế, Thạch Sanh, Người học trò với ba con qủy, Người học trò nghèo và Ngọc Hoàng Trong đó, nhân vật luôn luôn di chuyển trong KG, thay đổi phạm vi hoạt động của mình. Mỗi chặng trong cuộc đời nhân vật gắn với một địa điểm nào đó và mỗi địa điểm đó cũng biểu hiện những nét khác nhau trong cuộc đời, số phận của nhân vật. KG tuyến tính đặt nhân vật vào trạng thái luôn luôn phải hành động, thông thường KG đó cũng chính là con đường mà nhân vật tìm kiếm hạnh phúc. Ở mỗi một chặng (một điểm) trên KG tuyến tính đó, nhân vật bộc lộ sự phát triển về tài năng và nhân cách qua các hành động: Thạch Sanh lúc đi diệt chằn tinh là người gan dạ, dũng cảm nhưng nhẹ dạ cả tin; lúc cứu công chúa là nghĩa hiệp xả thân; lúc đánh quân xâm lược là mưu trí, bản lĩnh; Sọ Dừa lúc ở nhà là cục thịt lăn lông lốc, đến nhà phú ông là người lao động tài ba, khi kết hôn là chàng trai khôi ngô, lúc lên kinh thi là Trạng nguyên, tài trí hơn người Chúng tôi cũng lưu ý rằng “trong truyện cổ, những yếu tố tĩnh, điểm dừng ra đời sớm hơn bố cục không gian. Không gian đã bị hoà trộn vào trong một cái gì đó có sớm hơn. Những yếu tố cơ bản được tạo thành trước sự xuất hiện của khái niệm không gian” [5/236]. Bởi vì trong qúa trình phát triển của tư duy con người thì hình thức ban đầu bao giờ cũng mang tính chất cụ thể, cảm tính. Những mô hình không gian về thế giới là sản phẩm của một trình độ tư duy cao hơn. 4. Kết luận Như vậy, KGNT mang tính hai mặt là một trong những đặc trưng thẩm mĩ quan trọng của thể loại TCT. Điều này là kết quả của tư duy thẩm mĩ mang tính chất nhị nguyên của nhân dân lao động trong thời đại TCT. Từ đặc điểm mang tính khái quát này chúng ta có thể đưa ra nhiều cặp mô hình KGNT của TCT. Những loại hình KG đó đã góp phần hình thành thế giới nghệ thuật TCT vừa mang tính hiện thực vừa là mơ ước của con người. Những hình thức KGNT đó có ảnh hưởng nhất định tới tính chất của thế giới nghệ thuật TCT, một thế giới đặc biệt “cần có và nên có” cho con người. -------------- Chú thích 1. A.JA. Gurêvich (1996): Các phạm trù văn hoá trung cổ (Hoàng Ngọc Hiến dịch). Nhà xuất bản Giáo dục. H. 2. Tăng Kim Ngân (1994): Cổ tích thần kì người Việt - Đặc điểm cấu tạo cốt truyện. NXB KHXH. H 3. Lê Trường Phát (2000): Thi pháp văn học dân gian. NXb Giáo dục 4. Hoàng Phê (chủ biên 1992) Từ điển tiếng Việt ). Trung tâm từ điển ngôn ngữ. H. 5. Tuyển tập V.Ia. Prôp, tập 2 (2003). NXB Văn hoá dân tộc- Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật. H. 6. Trần Đình Sử tuyển tập – Tập 2 (2005). Nhà xuất bản Giáo dục. H
Tài liệu đính kèm: