Giáo án môn Ngữ văn khối 11 - Bố cục

Giáo án môn Ngữ văn khối 11 - Bố cục

Lời mở đầu:

I/ Lí do chọn đề tài.

1/Cơ sở lí luận

2/Cơ sở thực tiễn

II/ Tầm quan trọng của đề tài.

II/Lịch sử đề tài.

Nội dung:

1/ Cách viết câu dẫn nhập.

2/Viết câu luận đề.

3/ Kết qủa và việc phổ biến ứng dụng vào thực tiễn

 

doc 7 trang Người đăng minh_thuy Lượt xem 1677Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án môn Ngữ văn khối 11 - Bố cục", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỐ CỤC
Lời mở đầu:
I/ Lí do chọn đề tài.
1/Cơ sở lí luận
2/Cơ sở thực tiễn
II/ Tầm quan trọng của đề tài.
II/Lịch sử đề tài.
Nội dung:
1/ Cách viết câu dẫn nhập.
2/Viết câu luận đề.
3/ Kết qủa và việc phổ biến ứng dụng vào thực tiễn.
Kết luận.
LỜI MỞ ĐẦU
I/ Lí do chọn đề tài:
1/ Cơ sở lí luận:
Chất lượng môn Ngữ văn ở trường thpt thường thấp. Bởi Làm văn là một phân môn khó- đặc trưng của phân môn này là yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức đã được học ở phân môn Văn và Tiếng Việt vào việc làm văn. Mặt khác, ý thức học môn Văn của học sinh chưa cao. Không hiếm tình trạng giáo viên chỉ chú trọng đến giờ Văn học, xem nhẹ giờ Làm văn, chỉ dạy qua loa, chiếu lệ.
Biểu hiện rất rõ của học sinh trước một đề văn là thường tỏ ra lúng túng ngay ở khâu tìm hiểu đề, xác định các yêu cầu, cho đến công đoạn vận dụng kiến thức văn chương, lịch sử, xã hội và năng lực tư duy ngôn ngữ để triển khai, lập dàn ý. Đáng lưu ý hơn nữa là tình trạng mò mẫm trong công đoạn tạo văn bản hoàn chỉnh. Nhiều bài viết của học sinh còn bộc lộ tình trạng làm bài mà không hề có ý thức về việc vận dụng kiến thức mà môn Làm văn đã cung cấp, bỏ qua công đoạn phân tích, tìm hiểu đề, tìm ý và lập dàn ý, cứ đề ra thì bắt tay vào viết: nghĩ sao viết vậy, lắp ghép câu chữ tùy tiện, quanh quẩn lặp lại những điều đã viết, đến lúc không nghĩ ra được điều gì nữa thì kết thúc bài. Đó là những bài văn lạc đề, lệch đề, không có kết cấu, đoạn mạch không rõ ràng, đầy những câu văn “bất thành cú”, từ ngữ thiếu chính xác, sai chính tả...
2/ Cơ sở thực tiễn:
 Qua kinh nghiệm nhiều năm chấm bài của học sinh, tôi thấy học sinh hầu như viết mở bài sai rất nhiều. Sai từ câu, từ, dấu câu đến việc không nêu luận đề trông bài làm.Chẳng hạn như những mở bài sau đây tôi lấy được từ bài làm của học sinh:
 VD: viết mở bài cho đề: Phân tích hai khổ thơ đầu của bài thơ “Tràng Giang” của huy Cận:
Trong phong trào thơ mới đã cho ta nhiều tác phẩm hay có giá trị như bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận. Bài thơ thể hiện tâm trạng buồng của Huy Cận.
 VD: Mở bài của đề: Phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao:
Qua nên văn học hiện thực phên phán đã cho ta một tác giả Nam Cao xuất sắc và một tác phẩm nổi tiếng là Chí Phèo.Tác phẩm là số phận người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng Tám.
	Nhìn vào những mở bài ấy, ta thấy có rất nhiều lỗi sai. Thậm chí vấn đề cần nghị luận học sinh cũng không nêu ra được. 
Vậy, làm thế nào để học sinh phổ thông có những bài văn nghị luận hành văn trôi chảy, lôgic, mạch lạc? Đó là câu hỏi của rất nhiều giáo viên dạy bộ môn Văn. Vậy để điều đó trở thành hiện thực đòi hỏi người giáo viên phải tốn nhiều công sức tìm phương pháp phù hợp. 
 Riêng đối với tôi, qua thực tế giảng dạy tôi đã rút ra được một số phương pháp giúp học sinh làm tốt một bài văn nghị luận. Nhưng do điều kiện khách quan, do yêu cầu một bài sáng kiến kinh nghiệm người viết chỉ chọn một vấn đề của bài văn nghị luận: Cách viết mở bài trong bài văn nghị luận.
II/Tầm quan trọng của đề tài:
Trong bài văn phần mở bài là phần không mang lại nhiều điểm ( thường chỉ được nửa điểm), nhưng có thể nói phần này lại là phần “hồn” của bài văn nghị luận. Đọc phần mở bài, giáo viên có thể nhận biết trình độ, năng khiếu viết văn của học sinh, có thể đánh giá năng lực học văn của học sinh. Hơn nữa, phần mở đầu hay, trôi chảy sẽ tạo cảm hứng cho học sinh triển khai nội dung ở phần thân bài.
III/ Lịch sử vấn đề:
 Cách viết mở bài trong bài văn nghị luận không phải là một đề tài mới. Đã từng có người chạm đến đề tài này rồi. Tôi cũng đã từng xem một bài viết của một đồng nghiệp cùng trường của tôi về đề tài này. Nhưng bài viết ấy đã chỉ ra thực tế của điểm sai của học mà hướng khắc phục chưa cụ thể. 
NỘI DUNG
Để viết được một phần mở bài đảm bảo, hợp lí cần phải chú ý xây dựng hai nội dung sau: 
1/ Viết câu dẫn nhập:
Viết các câu dẫn nhập nói chung là khó. Bởi vì câu dẫn nhập đầu tiên là câu văn “khởi động” cả quá trình tạo văn bản phức tạp. Nó chi phối, quy định các câu tiếp theo, nên có thể gây khó khăn hay tạo điều kiện thuận lợi cho người viết trong việc dẫn nhập. Tuy nhiên về phương diện tâm lý, nếu có ý thức rõ về bước “khởi động” quan trọng này, viết dẫn nhập vẫn không phải là chuyện nan giải. Trước hết cần xác định rõ điểm “xuất phát” và khoảng cách giữa điểm “xuất phát” với đề tài được bàn luận trong bài. Chẳng hạn, nếu đề tài được bàn luận là nhân vật thì điểm xuất phát gần nhất là tác phẩm, xa hơn nữa là tác giả, hoàn cảnh sáng tác, là bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội có liên quan đến tác phẩm; xa hơn nữa là trào lưu sáng tác, giai đoạn văn học..
Có thể minh họa điều này bằng một ví dụ cụ thể. Trong trường hợp đề văn yêu cầu phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao, thì trong phần mở bài có thể chọn điểm xuất phát và từng bước dẫn vào như sau:
(1) Vị trí của Nam Cao trong trào lưu văn học hiện thực phê phán Việt Nam thế ký XX, giai đoạn 1930-1945. 
(2) Hai loại đề tài mà Nam Cao thường khai thác trong các sáng tác trước năm 1945. 
(3) “Chí Phèo” là thành công tiêu biểu của Nam Cao về đề tài người nông dân nghèo trước cách mạng tháng Tám. 
Trên cơ sở xuất phát điểm đã xác định, người viết từng bước dẫn vào đề bài bằng những câu trần thuật nêu nhận định, câu nghi vấn, hay phối hợp câu trần thuật với câu nghi vấn. Chẳng hạn, có thể viết mở bài về nhân vật Chí Phèo như sau: 
Nam Cao là một trong những đại biểu xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Ở giai đoạn văn học này nhà văn tập trung vào hai đề tài chính: cuộc sống cùng quẫn, thê thảm của người nông dân ở nông thôn và cuộc sống mòn mỏi, bế tắc của người trí thức nghèo ở thành thị. “Chí Phèo” là thành công tiêu biểu của Nam Cao về đề tài người nông dân nghèo ở nông thôn. 
Nếu bài viết bàn về truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân, có thể chọn điểm xuất phát và các bước dẫn vào đề bài: 
(1). Kim Lân, một tác giả tiêu biểu trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.
(2). “Vợ nhặt” một thành công của Kim Lân và của nền văn xuôi Việt Nam thế kỉ 20. 
(3). Nạm đói năm Ất Dậu và hướng khai thác đề tài độc đáo, sáng tạo của Kim Lân. 
Trên cơ sở đó, có thể dẫn nhập:
Kim Lân là một tác giả tiêu biểu trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Cả cuộc đời cầm bút, ông viết không nhiều. Nhưng khi đề cập đến thành tựu của truyện ngắn hiện đại Việt Nam, không ai không nghĩ đến “Vợ nhặt”, đây là một thành công của ông về văn xuôi. Đề tài của truyện là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, đã được nhà văn khai thác một cách độc đáo, đầy sáng tạo. 
 Cũng có thể lấy ngay đề tài làm điểm xuất phát để dẫn nhập, nghĩa là câu mở đầu của bài viết nêu lên nhận định về chính đề tài. Chẳng hạn có thể vào “Vợ nhặt” như sau: “Vợ nhặt” là một tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân, đồng thời cũng là tác phẩm xuất sắc của nền văn xuôi thế kỉ XX. 
 Yêu cầu hàng đầu của việc dẫn nhập là “tự nhiên” và có “hướng đích xác định”. Cần tránh lối dẫn nhập màu mè, gượng ép hay phô trương kiến thức một cách vô bổ mà không có giá trị thông tin. 
2. Viết câu luận đề: 
Nêu luận đề là bước nối tiếp dẫn nhập, nếu người viết muốn nêu luận đề ngay trong phần mở bài. Luận đề có thể được nêu trong cả câu luận đề hay một thành phần câu nào đó. Câu luận đề có thể là câu đơn, câu ghép, và là câu trần thuật, khẳng định, nêu lên một nhận định khái quát, với hai thành tố nội dung cơ bản: Đối tượng và đặc trưng của đối tượng. Yêu cầu cơ bản của câu văn này là phải bao quát được luận đề và xác định về đối tượng và nội dung nhận định.
Chẳng hạn, có thể viết câu luận đề tiếp nối theo hai chuỗi câu dẫn nhập ở trên tạo thành hai phần mở bài hoàn chỉnh 
Mở bài 1: 
Nam Cao là một trong những đại biểu xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Ở giai đoạn văn học này nhà văn tập trung vào hai đề tài chính: cuộc sống cùng quẫn, thê thảm của người nông dân ở nông thôn và cuộc sống mòn mỏi, bế tắc của người trí thức nghèo ở thành thị. “Chí Phèo” là thành công tiêu biểu của Nam Cao về đề tài người nông dân nghèo ở nông thôn. Nhân vật Chí Phèo là nhân vật điển hình cho hình ảnh người nông dân bị tha hóa về nhân hình lẫn nhân tính ở nông thôn trước cách mạng. 
Mở bài 2:
Kim Lân là tác giả tiêu biểutrong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại. Cả cuộc đời cầm bút, ông viết không nhiều. Nhưng khi đề cập đến thành tựu của truyện ngắn hiện đại Việt Nam, không ai không nghĩ đến “Vợ nhặt”.Đây là một thành công lớn của ông về văn xuôi. Đề tài của truyện là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945, đã được nhà văn khai thác một cách độc đáo, đầy sáng tạo.Qua sự kiện Tràng tình cờ nhặt được vợ, Kim Lân đã làm nổi bật lên vấn đề giá trị, nhân phẩm của con người và những phẩm chất tốt đẹp của người lao động cùng khổ trong hoàn cảnh xã hội khủng hoảng, đen tối. 
 Ngoài cách nêu luận đề một cách rõ ràng xác định người viết có thể nêu luận đề một cách lấp lửng: có nói đến khái niệm vấn đề kèm theo sự đánh giá nhưng không nói rõ nội dung của vấn đề là gì. Trong phần mở bài, người viết còn có thể không nêu vấn đề, chỉ dẫn nhặp bình thường hay dẫn nhập vào tình huống mang tính chất tranh luận rồi bỏ lửng. Trong những trường hợp này, luận đề sẽ được người viết khái quát lại nêu ra sau, ở cuối phần thân bài hay kết bài. 
Chẳng hạn, có thể mở bài cho bài nghị luận phân tích truyện “Chí Phèo” của Nam Cao: cách dẫn vào tình huống tranh luận về chủ đề của tác phẩm này. 
“Chí Phèo” là một kiệt tác của Nam Cao và là kiệt tác của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Thế nhưng cho đến nay, chung quanh chủ đề của tác phẩm này, vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có quan niệm cho rằng chủ đề của “Chí Phèo” là sự tha hoá biến chất của một bộ phận nông dân Việt Nam dưới ách áp bức, bóc lột cùng cực của bọn thực dân phong kiến.(Hà Minh Đức chủ biên: “Lý luận văn học”- NXB Giáo Dục, 2000) .Quan niệm khác thì lại cho rằng: “Vẽ nên hình ảnh người nông dân lưu manh đầy thú tính, Nam Cao không bôi nhọ nông dân, mà trái lại đã đi sâu vào đời sống tâm hồn của nhân vật để phát hiện và khẳng định nhân phẩm đẹp đẽ của người nông dân ngay trong khi họ bị rạch nát bộ mặt người, giết chết tâm hồn người” (“Lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945”, tập V, phần I, NXB Giáo Dục, 1976). Lại có ý kiến khác nhận định rằng, vấn đề mà Nam Cao đặt ra trong “Chí Phèo” là “bi kịch của con người bị từ chối quyền làm người” (Nguyễn Văn Trung: “xây dựng tác phẩm tiểu thuyết”, Sài Gòn, 1965), Vậy, vấn đề sâu xa mà Nam Cao muốn đặt ra trong “Chí Phèo” là gì ? 
Trong phần mở bài, nêu luận đề một cách rõ ràng, xác định, nêu lấp lửng hay không nêu, điều đó chủ yếu là do ý đồ trình bày của người viết và mỗi cách có lợi thế riêng.
	Tiểu kết: 
 Để có thể làm được phần mở bài đúng, tạo cảm hứng vào mạch văn cho phần thân bài, học sinh cần xác định đúng “điểm xuất phát’ và “đích đến’ cho bài viết của mình.
- “Điểm xuất phát” học sinh có thể lựa chọn từ những vấn đề liên quan đến đối tượng nhưng dễ dẫn nhập vào bài.
- “Đích đến” là những gì đề yêu cầu ( Thường nằm ngay trong câu đề bài.) .
III/Kết quả và việc phổ biến ứng dụng vào thực tiễn. 
 Qua thực tế giảng dạy, với phương pháp như trên học sinh đã có một bước tiến bộ rõ rệt. Những học sinh trung bình có khả năng viết văn tốt hơn, những học sinh yếu vẫn viết được phần mở bài mạch lạc, sáng sủa.
KẾT LUẬN
Để học sinh viết tốt phần mở bài nói riêng và bài văn nghị luận nói chung, không chỉ đòi hỏi phương pháp giảng dạy của người giáo viên mà năng khiếu, kỹ năng viết văn vốn có của học sinh là rất quan trọng. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp của giáo viên sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao kết quả học tập của học sinh, nhất là môn Ngữ Văn – một môn vừa đòi hỏi tư duy nhiều, vừa đòi hỏi năng khiếu thiên bẩm của người học. Vì vậy theo tôi đây là một phương pháp rất bổ ích giúp học sinh yếu, trung bình rèn luyện được cách viết văn – viết tốt phần mở bài của bài văn nghị luận. 
Trên đây là một kinh nghiệm nhỏ mà tôi đã áp dụng thành công trong quá trình giảng dạy. Tôi hy vọng phương pháp này sẽ được phổ biến và áp dụng thành công trong tương lai ở nhiều giáo viên khác. Tuy nhiên, đó chỉ là mong muốn chủ quan của người viết. Hiệu quả thực tế của phương pháp này là ở sự đánh giá, áp dụng vào thực tiễn của các bạn đồng nghiệp. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân tình của quý đồng nghiệp.
	Cư mgar, ngày 11 tháng 3 năm 2011
	 Người thực hiện
	 Trịnh Thị Dư

Tài liệu đính kèm:

  • docSANGKIENCODU.doc.doc