Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Yên Bái lớp 11 năm học 2010 – 2011 môn thi: Ngữ văn

Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Yên Bái lớp 11 năm học 2010 – 2011 môn thi: Ngữ văn

Câu 1: ( 8,0 điểm)

“. Khi đã khôn lớn, trưởng thành, khi các cuộc đấu tranh đã tôi luyện con thành người dũng cảm, có thể có lúc con sẽ mong ước thiết tha được nghe lại tiếng nói của mẹ, được mẹ dang tay ra đón vào lòng. Dù có lớn khôn, khoẻ mạnh thế nào đi chăng nữa, con sẽ vẫn tự thấy mình chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp, yếu đuối và không được chở che. Con sẽ cay đắng khi nhớ lại những lúc đã làm cho mẹ đau lòng. Con sẽ không thể sống thanh thản, nếu đã làm cho mẹ buồn phiền. Dù có hối hận, có cầu xin linh hồn mẹ tha thứ. tất cả cũng chỉ vô ích mà thôi. Lương tâm con sẽ không một phút nào yên tĩnh. Hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của mẹ sẽ làm tâm hồn con như bị khổ hình. En-ri-cô này ! Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó.”

(Trích “Mẹ tôi”- Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, Ngữ văn 7, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr.10)

 Đoạn trích trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ.

 

doc 6 trang Người đăng minh_thuy Lượt xem 4173Lượt tải 5 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh Yên Bái lớp 11 năm học 2010 – 2011 môn thi: Ngữ văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH LỚP 11
TỈNH YÊN BÁI
NĂM HỌC 2010 – 2011
MÔN THI : NGỮ VĂN
ĐỀ CHÍNH THỨC
Thời gian : 180 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm có 02 trang)
Ngày thi: 10/10/2010
Câu 1: ( 8,0 điểm)
“... Khi đã khôn lớn, trưởng thành, khi các cuộc đấu tranh đã tôi luyện con thành người dũng cảm, có thể có lúc con sẽ mong ước thiết tha được nghe lại tiếng nói của mẹ, được mẹ dang tay ra đón vào lòng. Dù có lớn khôn, khoẻ mạnh thế nào đi chăng nữa, con sẽ vẫn tự thấy mình chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp, yếu đuối và không được chở che. Con sẽ cay đắng khi nhớ lại những lúc đã làm cho mẹ đau lòng... Con sẽ không thể sống thanh thản, nếu đã làm cho mẹ buồn phiền. Dù có hối hận, có cầu xin linh hồn mẹ tha thứ... tất cả cũng chỉ vô ích mà thôi. Lương tâm con sẽ không một phút nào yên tĩnh. Hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của mẹ sẽ làm tâm hồn con như bị khổ hình. En-ri-cô này ! Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó...”
(Trích “Mẹ tôi”- Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, Ngữ văn 7, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr.10)
	Đoạn trích trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ.
Câu 2: (12,0 điểm)
Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du viết :
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Em hiểu như thế nào về tâm và tài của người nghệ sĩ ? Hãy làm sáng tỏ qua đoạn trích “Nỗi thương mình” (trích “Truyện Kiều” – Nguyễn Du) và bài thơ “Thương vợ” (Trần Tế Xương).
___________________
Văn bản :
Nỗi thương mình
(Trích “Truyện Kiều” - Nguyễn Du)
1
5
10
15
20
Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh.
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là,
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường ?
Mặt sao dày gió dạn sương,
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân !
Mặc người mưa Sở, mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?
Đòi phen nét vẽ, câu thơ,
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa.
Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai ?
 (Ngữ văn 10 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr.142-143)
Văn bản : Thương vợ 
 (Trần Tế Xương)
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
 (Ngữ văn 11 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục, 2007, tr.67)
..................Hết.................
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ tên thí sinh:........................................ 
Số báo danh:............................................
Chữ kí giám thị số 1:............................... 
Chữ kí giám thị số 2:...............................
HƯỚNG DẪN CHẤM
I. Phần hướng dẫn chung
Do đặc trưng môn Ngữ văn và tính chất của kì thi học sinh giỏi, giáo viên cần nắm vững yêu cầu hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, chủ động linh hoạt trong vận dụng tiêu chuẩn cho điểm, không đếm ý cho điểm một cách đơn thuần. 
Bản hướng dẫn chỉ xác định yêu cầu cơ bản, trên cơ sở đó, người chấm cân nhắc từng trường hợp cụ thể để cho điểm. Nếu học sinh làm bài theo cách riêng, khác với đáp án, nhưng đáp ứng được những yêu cầu cơ bản hoặc trình bày có lí lẽ và căn cứ thì vẫn cho đủ điểm với từng phần như hướng dẫn qui định.
	Việc chi tiết hoá thang điểm (nếu có) so với thang điểm trong hướng dẫn chấm phải đảm bảo không sai lệch với hướng dẫn chấm và được thống nhất thực hiện trong hội đồng chấm thi. Những bài viết có cảm xúc và sáng tạo cả về nội dung lẫn hình thức cần được khuyến khích. 
II. Đáp án và thang điểm
Nội dung
Điểm
Câu I : Tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ.
8,0
1. Yêu cầu về kĩ năng :
 Học sinh hiểu đúng vấn đề nghị luận đặt ra, có kĩ năng làm bài với kiểu bài nghị luận xã hội. Bài viết có bố cục hợp lý, lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục...; không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu... Lời văn chân thành, thiết thực.
2. Yêu cầu về kiến thức : 
 Có nhiều cách tiếp cận khác nhau song về cơ bản thí sinh cần xác định được một số nội dung sau:
A. Mở bài :
Giới thiệu vấn đề nghị luận : Tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ.
0,5
B. Thân bài :
7,0
1. Giải thích :
- Yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm cao cả và thiêng liêng nhất :
+ Công lao không gì sánh nổi của cha mẹ : cho con cuộc sống, thương yêu dạy dỗ, chịu đựng bao gian lao vất vả, hi sinh thầm lặng vì con. 
+ Những lo toan cho tương lai, hạnh phúc của con.
+ Trong mọi buồn vui, được mất trong cuộc đời luôn có sự an ủi, động viên, vỗ về khích lệ của cha mẹ. 
2,0
2. Bình luận :
- Khẳng định tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm cao đẹp nhất, là truyền thống đạo lí dân tộc, phẩm chất đạo đức con người. 
- Biết yêu thương kính trọng cha mẹ con người sẽ biết trân trọng cội nguồn, sống nhân hậu, biết hi sinh.
- Từ tình yêu gia đình, yêu cha mẹ con người mới biết yêu quê hương, tổ quốc.
- Phê phán một số người chưa biết trân trọng tình cảm, công lao của cha mẹ, sống thờ ơ, buông thả, ích kỉ, lời nói hành vi làm tổn thương đến cha mẹ..., làm mất đi những giá trị tốt đẹp trong truyền thống đạo lí dân tộc, gây ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. 
3,0
3. Liên hệ :
- Biết tôn trọng đạo lí, sống xứng đáng đền đáp công ơn cha mẹ.
- Luôn tự hào, yêu thương chăm sóc cha mẹ.
2,0
C. Kết bài :
 Khẳng định tình cảm yêu thương kính trọng cha mẹ là tình cảm cao đẹp nhất.
0,5
Câu II : Tâm và tài của người nghệ sĩ, làm rõ qua đoạn trích “Nỗi thương mình” (trích “Truyện Kiều”- Nguyễn Du) và “Thương vợ” (Trần Tế Xương).
12
 1. Yêu cầu về kĩ năng :
- Học sinh có kĩ năng giải thích, bình luận các vấn đề lí luận văn học và thể hiện việc nắm bắt, lí giải vấn đề qua việc phân tích một hoặc một vài tác phẩm văn học. Học sinh vừa phải nắm vững từng kĩ năng, vừa phải biết phối hợp các kĩ năng ấy thành một chỉnh thể chung, một bài làm thống nhất.
- Bố cục rõ ràng, chặt chẽ.
- Diễn đạt lưu loát, văn viết có cảm xúc, giàu hình ảnh. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2.Yêu cầu về kiến thức : 
 Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, song về cơ bản học sinh cần làm rõ được các nội dung sau :
A. Giới thiệu :
 Vấn đề nghị luận ; tác phẩm “Truyện Kiều” đoạn trích “Nỗi thương mình” (Nguyễn Du) và “Thương vợ” (Trần Tế Xương).
1,0
B. Thân bài :
10,0
1. Giải thích về tâm và tài của người nghệ sĩ (nhà văn) :
- Tâm và tài của người nghệ sĩ là hai yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công cho tác phẩm văn học.
- Tâm : 
+ Trái tim, tấm lòng, tình yêu thương quê hương, đất nước, con người...
+ Cái tâm của người nghệ sĩ : Là người sáng tạo ra cái đẹp nghệ thuật cho cuộc đời và con người, người nghệ sĩ không thể thiếu một trái tim mãnh liệt, phong phú và sâu sắc. Trái tim ấy phải nhạy cảm hơn với đời, phải có những cung bậc khác đời, phải dồi dào, giàu có hơn những người bình thường để từ đó tạo nên giá trị nhân đạo cao cả cho tác phẩm.
- Tài :
+ Có nghĩa tài năng, sự điêu luyện.
+ Tài của người nghệ sĩ là tài năng văn chương, là sự sáng tạo độc đáo trong việc sử dụng ngôn từ, tạo nên những hình ảnh, hình tượng nghệ thuật có giá trị thẩm mĩ cao, có sức cuốn hút đặc biệt làm rung động mãnh liệt trái tim bạn đọc.
- Người nghệ sĩ khi có được cả tâm và tài sẽ cống hiến cho bạn đọc những tác phẩm nghệ thuật bất hủ.
3,0
2. Chứng minh :
a. Tâm và tài của Nguyễn Du qua đoạn trích “Nỗi thương mình”.
* Tấm lòng đồng cảm, xót thương với những người phụ nữ tài hoa, mệnh bạc :
- Cảm thương nỗi đau đớn, tủi nhục, nỗi thương mình, xót xa trước sự đổi thay thảm hại của Kiều ở chốn lầu xanh...(phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều qua 10 dòng đầu).
- Bênh vực, bảo vệ nhân phẩm Thuý Kiều (phân tích thái độ thờ ơ, dứt khoát của Kiều trước thú vui của khách... qua 10 dòng cuối).
- Gián tiếp lên án, tố cáo xã hội phong kiến.
* Nghệ thuật : sử dụng từ ngữ, hình ảnh, điệp từ theo hình thức sóng đôi, nhiều tiểu đối, sử dụng thành ngữ đan chéo đạt trình độ cao.
* Với cái tâm trong sáng, cao đẹp, tài năng xuất chúng, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã xây dựng nên một trong những tác phẩm văn học kiệt xuất của dân tộc.
3,5
b. Tâm và tài của Trần Tế Xương qua bài thơ “Thương vợ”.
* Tình cảm yêu thương, trân trọng của ông Tú với vợ ; nỗi đau buồn u uất, vừa giận mình, vừa bực bội với đời.
- Thơ xưa ít viết về người vợ, Tú Xương lại khác, ông dành hẳn một mảng đề tài viết về vợ ; tất cả những thương cảm xót xa, lòng tri âm sâu sắc được ông Tú cô đúc trong bài “Thương vợ”. 
- Nỗi thương cảm, trân trọng những lam lũ, nhọc nhằn và đức tính hi sinh của bà Tú : tần tảo tất bật ngược xuôi “Quanh năm buôn bán ở mom sông”; chen chúc, bươn bả trên sông nước, đương đầu với những lời phàn nàn, mè nheo, chen lấn xô đẩy, khó khăn bất trắc trong công việc buôn bán “Eo sèo mặt nước buổi đò đông” (phân tích 6 dòng đầu).
- Tâm sự, vẻ đẹp nhân cách Tú Xương : tự trách mình, giận mình, giận đời càng thương vợ, yêu vợ... (phân tích hai dòng cuối).
* Nghệ thuật :
 Ngôn ngữ hóm hỉnh, giản dị, giàu sức biểu cảm, vận dụng sáng tạo hình ảnh, ngôn ngữ văn học dân gian, cách đưa khẩu ngữ vào trong thơ, cách vận dụng thể thơ Đường luật tự nhiên, hấp dẫn mà rất đúng luật.
* Với tâm và tài, Tú Xương đã làm sáng lên trong thơ vẻ đẹp hình tượng người phụ nữ Việt Nam thời trung đại đảm đang, tần tảo, giàu đức hi sinh và vẻ đẹp nhân cách ông tú trong xã hội “trọng nam khinh nữ”.
3,5
C. Kết luận :
- Khẳng định giá trị độc đáo, sức hấp dẫn đặc biệt, sức sống lâu bền của hai tác phẩm “Truyện Kiều” và “Thương vợ”.
- Khẳng định tâm và tài của người nghệ sĩ nói chung và của Nguyễn Du, Trần Tế Xương nói riêng.
1,0
---------Hết---------

Tài liệu đính kèm:

  • docDe va Dap an HSG 11.doc