Sử thi - khan là sản phẩm văn hoá tinh thần độc đáo của dân tộc Êđê, trong đó hình tượng nhân vật anh hùng đã trở thành một hình ảnh thẩm mỹ tiêu biểu. Vẻ đẹp của nhân vật anh hùng thâu tóm toàn bộ quan niệm, đời sống tình cảm, ước nguyện của người dân Êđê và được thể hiện bằng nhiều cách, nhiều phương thức, qua nhiều đề tài. Một trong những cách nhằm làm nổi rõ đặc điểm bản chất của nhân vật anh hùng trong sử thi - khan, đó là nghệ thuật sử dụng chi tiết đặc tả. Chi tiết đặc tả có thể hiểu là những chi tiết nghệ thuật đặc biệt, những tín hiệu nghệ thuật dùng để miêu tả một đặc điểm, một bộ phận tiêu biểu của một nhân vật mà thông qua đó thấy được bản chất hay tính cách của nhân vật ấy. Hêghen cho rằng: “Chi tiết đặc tả như con mắt trổ những cửa sổ để người ta nhìn vào nhân vật”(1). Tác giả Nguyễn Thị Tuyết Thu cũng khẳng định: “Trong sử thi dân gian, chi tiết đặc tả thường được tác giả sử dụng để cường điệu, phóng đại khắc hoạ chân dung nhân vật anh hùng”(2). Chúng tôi đồng thuận với các nhận định này. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy, trong sử thi - khan, chi tiết đặc tả được sử dụng như những môt típ, sử dụng lặp đi lặp lại, nhằm mục đích nhấn mạnh vẻ đẹp toàn diện của nhân vật anh hùng, như là những tín hiệu để nhận diện nhân vật anh hùng, phân biệt nhân vật anh hùng với các loại nhân vật khác.
Chi tiết đặc tả trong Sử thi - Khan Ths. Nguyễn Thị Minh Thu Khoa Ngữ văn, ĐHSP Thái Nguyên Sử thi - khan là sản phẩm văn hoá tinh thần độc đáo của dân tộc Êđê, trong đó hình tượng nhân vật anh hùng đã trở thành một hình ảnh thẩm mỹ tiêu biểu. Vẻ đẹp của nhân vật anh hùng thâu tóm toàn bộ quan niệm, đời sống tình cảm, ước nguyện của người dân Êđê và được thể hiện bằng nhiều cách, nhiều phương thức, qua nhiều đề tài. Một trong những cách nhằm làm nổi rõ đặc điểm bản chất của nhân vật anh hùng trong sử thi - khan, đó là nghệ thuật sử dụng chi tiết đặc tả. Chi tiết đặc tả có thể hiểu là những chi tiết nghệ thuật đặc biệt, những tín hiệu nghệ thuật dùng để miêu tả một đặc điểm, một bộ phận tiêu biểu của một nhân vật mà thông qua đó thấy được bản chất hay tính cách của nhân vật ấy. Hêghen cho rằng: “Chi tiết đặc tả như con mắt trổ những cửa sổ để người ta nhìn vào nhân vật”(1). Tác giả Nguyễn Thị Tuyết Thu cũng khẳng định: “Trong sử thi dân gian, chi tiết đặc tả thường được tác giả sử dụng để cường điệu, phóng đại khắc hoạ chân dung nhân vật anh hùng”(2). Chúng tôi đồng thuận với các nhận định này. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy, trong sử thi - khan, chi tiết đặc tả được sử dụng như những môt típ, sử dụng lặp đi lặp lại, nhằm mục đích nhấn mạnh vẻ đẹp toàn diện của nhân vật anh hùng, như là những tín hiệu để nhận diện nhân vật anh hùng, phân biệt nhân vật anh hùng với các loại nhân vật khác. 1. Chi tiết đặc tả thể hiện vẻ đẹp hình thức, sự giàu sang và sức mạnh thể chất 1.1. Trang phục. Trong nhiều sử thi - khan, nhân vật anh hùng hiện lên trước hết qua những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc Êđê nói riêng, các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Đó là bộ khố nai nịt gọn gàng, thêu thùa cầu kỳ và sặc sỡ màu sắc. Hầu như không có người anh hùng nào được miêu tả lại không gắn với bộ trang phục đặc trưng ấy. Đây là hình ảnh người anh hùng Đăm Săn: “Anh đóng khố màu sặc sỡ, đầu đội khăn đẹp như các tù trưởng”, “Đăm Săn quấn vào một cái khố màu sặc sỡ như hoa kơu, chít trên đầu một cái khăn màu ême, trong trang phục ấy, anh có dáng điệu của một tù trưởng trẻ tuổi rất oai hùng”(3). Còn đây là hình ảnh người anh hùng Đăm Đơroăn với vẻ đẹp oai hùng khi mang trên mình bộ trang phục tuyệt vời: “Đăm Đơroăn đứng trên đồi cao, mình quấn một cái khố màu đen viền chỉ đỏ, mặc một cái áo sắt, trên đầu đội khăn đỏ ”(4). Bộ trang phục đặc trưng cho vẻ đẹp, sức sống của người Êđê khoác lên các nhân vật anh hùng làm cho họ trở thành những con người vừa quen vừa lạ, vừa bình dị vừa cao cả, hào hùng. Vẻ đẹp hình thức thể hiện qua trang phục chính là dấu hiệu đầu tiên khắc hoạ chân dung nhân vật anh hùng là dấu hiệu lôi cuốn chúng ta đi vào khám phá vẻ đẹp bản chất bên trong của họ. 1.2. Vũ khí. Khiên, đao là loại vật dụng, là thứ vũ khí bất ly thân của người anh hùng trong sử thi - khan. Hình ảnh múa khiên thể hiện sức mạnh và tinh thần chiến đấu của họ. Người anh hùng nào múa khiên cũng giỏi, mỗi lần họ thể hiện tài năng của mình thì trời đất, vạn vật như cũng nghiêng mình chiêm ngưỡng. Hình ảnh chiếc khiên và hành động múa khiên gắn liền với diễn biến cuộc đời nhân vật anh hùng kể từ khi họ sinh ra, lớn lên, chiến đấu với kẻ thù giành hạnh phúc cho buôn làng. Chi tiết múa khiên được các tác giả sử thi dụng công miêu tả, xuất hiện với tần suất lớn, lặp đi lặp lại nhiều lần, lần nào uy lực của nó cũng mạnh mẽ đặc biệt trong các cuộc giao tranh với kẻ thù gian ác. Trong thế đối sánh với kẻ thù, người anh hùng múa khiên giỏi bao nhiêu, oai hùng bao nhiêu thì kẻ thù càng trở nên yếu ớt, run sợ bấy nhiêu. Chiếc khiên và hành động múa khiên đã trở thành phương tiện giao tiếp chứa đựng toàn bộ sức mạnh và quyền lực của nhân vật anh hùng. Chúng ta hãy cùng theo dõi cảnh tượng người anh hùng Khinh Dú giao chiến với kẻ thù Đăm Phu: “Mỗi lần Khinh Dú vung dao, múa khiên, dao nổi sáng như làn chớp đông, khiên xoay chiều nghe như sét đánh đầu mùa. Khinh Dú nhảy múa nhẹ nhàng như gió thổi mảnh bông lau lách”(5). Chúng ta cũng không thể quên khung cảnh tuyệt vời khi các nhân vật Đăm Săn, Xing Nhã thể hiện tài năng khiên đao của mình: “Đăm Săn múa cao cây khiên. Tiếng múa giống như gió vù. Anh múa thấp cây khiên. Tiếng múa như bão”; “Xing Nhã bước tới chỗ chiếc khiên của mình. Chàng cầm chiếc khiên nhẹ như diều gặp gió. Chàng giơ khiên lên trời, nhún mình múa liền. Xing Nhã múa phía trước một mái tranh bay theo gió, múa phía sau một mái nứa bay theo bão”(6). Nếu như các chiến binh anh hùng dũng cảm trong sử thi Hy Lạp, Ấn Độ thường xuất hiện trong các cuộc giao tranh dữ dội và thể hiện sức mạnh qua hình ảnh mũi tên kỳ diệu và cây chùy chắc nịch thì người anh hùng trong khan giản dị, gần gũi hơn chỉ với chiếc khiên, đao như một thứ vũ khí thô sơ nhưng vẫn mang đầy uy lực. 1.3. Âm thanh. Song hành cùng với hình ảnh và âm vang của hành động múa khiên, ném đao thì âm vang của tiếng chiêng cũng là một thứ chất liệu đặc tả sự giàu sang và sức mạnh của người anh hùng. Nếu khiên, đao chủ yếu được “biểu diễn” trong các cuộc giao tranh bất phân thắng bại như một thứ ngôn ngữ đặc biệt giao tiếp với kẻ thù thì tiếng chiêng chủ yếu vang lên trong những cuộc vui ăn mừng chiến thắng. Âm vang tiếng chiêng chính là sợi dây kết nối chặt chẽ giữa người anh hùng với buôn làng, cộng đồng và thậm chí là với những đấng thần linh đầy quyền lực. Dưới bàn tay của người anh hùng Đăm Săn, tiếng cồng chiêng cũng có linh hồn, cũng đầy uy lực và sức mạnh: “Đánh cho tiếng chiêng vượt qua sàn nhà, vang xuống dưới đất. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời và lan ra khắp cả xứ. Hãy đánh cho đến lúc voi và tê giác phải lắng nghe mà quên cho con bú. Đánh cho ếch nhái và dế cũng phải lắng nghe mà không kêu nữa”(7). Các nhân vật anh hùng khác trong mỗi cuộc vui “ăn năm uống tháng” bao giờ cũng khua chiêng đánh trống báo tin và kêu gọi toàn dân làng cùng hoà vào cuộc vui, cùng chung một nhịp sống. 2. Chi tiết đặc tả thể hiện đời sống tinh thần Thể hiện đời sống tinh thần, tình cảm của các nhân vật chưa phải là mục đích của các tác giả sử thi - khan, tuy nhiên, có thể thấy, trong một số bản sử thi- khan tiêu biểu đã xuất hiện một loại chi tiết đặc tả điển hình mà thông qua đó, chúng ta thấy được đời sống tinh thần của nhân vật anh hùng. Đó là chi tiết tiếng khóc. Một Đăm Săn táo bạo, dũng cảm dám cả gan đi bắt Nữ thần Mặt trời về làm vợ, từng ngang tàng chặt đứt cây linh hồn của H’nhí và H’bhí, vậy mà, khi hai người vợ ngã gục xuống thì Đăm Săn oà lên khóc: “Anh vừa chạy về vừa khóc. Đăm Săn khóc từ sáng đến tối, từ tối suốt sáng. Anh khóc nước mắt chảy ròng đầy một bát, chẩy ngập một chiếc chiếu”(8). Còn người anh hùng Xing Nhã lại rớt nước mắt khi biết được nỗi oan trái và mối thâm thù của cha mẹ chàng thuở trước: “Xing Nhã vội vàng chạy đến đống tranh mục, tìm xương sọ cha, kêu khóc thảm thiết”(9). Còn người anh hùng Trong Đăn trong sử thi Khinh Dú trong khi nghe bác kể lại hoạn nạn của gia đình thì chàng khóc nức nở thương cho gia đình mình không đủ sức dành lại của cải đã mất. Tiếng khóc xuất hiện trên khoé mắt các nhân vật anh hùng với khá nhiều cung bậc, khóc ròng, khóc thảm thiết, khóc nức nở, cung bậc nào cũng cho thấy nỗi đau xót của một tấm lòng đầy tình yêu thương. Chỉ với một chi tiết đặc tả là tiếng khóc mà các tác giả sử thi đã làm cho hình ảnh người anh hùng trở thành con người đầy tình cảm bên cạnh một ý chí gan dạ, kiên cường. Tiếng khóc được miêu tả cũng cho thấy nhân vật sử thi mang một thứ tâm lý sử thi hồn nhiên, ngây thơ, chất phác, thứ tâm lý gắn liền với hành động, được bộc lộ một cách trực tiếp. Như vậy, có thể thấy, chi tiết đặc tả là yếu tố quan trọng không thể thiếu tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cao, góp phần khắc họa đậm nét không chỉ chân dung mà toàn bộ tính cách, phẩm chất anh hùng của các nhân vật trung tâm trong các bản sử thi - khan. Đó vừa là vẻ đẹp kỳ vĩ của một người anh hùng vừa là vẻ đẹp bình dị của người con Tây Nguyên. Chi tiết đặc tả trong sử thi - khan còn giúp chúng ta hiểu được quan niệm của các tác giả sử thi trong khi xây dựng hình tượng nhân vật anh hùng. Theo đó, người anh hùng trong khan bao giờ cũng có một vẻ đẹp toàn vẹn từ hình thức bên ngoài đến phẩm chất bên trong, hình thức bên ngoài là cái vỏ chứa đựng bản chất về tài năng, sức mạnh bên trong, hình thức bên ngoài thống nhất với bản chất bên trong. Đồng thời, người anh hùng trong suy nghĩ của người Êđê phải được kỳ vĩ hóa, vẻ đẹp và sức mạnh phải sánh ngang tầm trời đất và thần thánh, nhưng mặt khác, họ vẫn không thiếu vẻ gần gũi, bình dị, vẫn mang hơi thở của cuộc đời thực. Đó chính là chỗ tạo nên vẻ độc đáo, sự rung động và hấp dẫn mạnh mẽ của hình tượng nhân vật anh hùng trong khan. Theo Nguyễn Văn Khỏa, có thể khẳng định, với những chi tiết đặc tả được cường điệu, phóng đại, người kể khan đã “làm lớn mạnh thêm lên từ tầm thước tự nhiên của những anh hùng cho đến kích thước đồ sộ của chúng. Tất cả những cái đó đã đặt những anh hùng lên đôi hia cao, đã tưới dội xuống chúng từ đầu đến chân những niềm vinh quang chói lọi”(10)1 ______________ (1) Hêghen: Mỹ học, Tập 2 (Phan Ngọc dịch). Nxb. Văn học, H, 1999, tr.83. (2) Nguyễn Thị Tuyết Thu: Chi tiết đặc tả trong sử thi “Mahabharata”. Văn hóa dân gian, số 3-2006, tr.79. (3), (6), (7), (8), (9) Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, Tập V. Nxb. Giáo dục, H, 2001, tr.323, 348, 398, 349, 353, 383. (4), (5) Trường ca Tây Nguyên (Y Điêng - Y Yung, Kơxo Bơlêu- Ngọc Anh dịch). Nxb. Văn học, H, 1963, tr.357, 251. (10) Nguyễn Văn Khỏa: Anh hùng ca Hômerơ. Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H, 1978, tr.380.
Tài liệu đính kèm: