Giáo án môn Ngữ văn 11 - Tên bài dạy: Tràng Giang

Giáo án môn Ngữ văn 11 - Tên bài dạy: Tràng Giang

I. MỤC TIÊU BÀI HỌC

 1. Kiến thức:

 - Cảm nhận vẻ đẹp gợi cảm của bức tranh thơ với “cảnh trời rộng sông dài”, vừa đơn sơ vừa tinh tế.

 - Cảm nhận được n0i buồn cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, nổi sầu nhân thế, niềm khát khao hòa nhập với cuộc đời và tình yêu quê hương đất nước thầm kín của tác giả.

 2. Kỹ năng: Biết cách phân tích kết cấu một bài thơ trữ tình và nét độc đáo của phong cách thơ cổ điển trong một bài thơ mới.

 3. Thái độ:

 - Giáo dục thẩm mỹ và nhân bản của bài thơ.

 - Giáo dục lòng yêu quê hương đất nước.

II. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

 - Giáo viên kết hợp các phương pháp: giảng binh, vấn đáp, gợi mở, so sánh, đọc diển cảm, thảo luận nhóm.

 - Học sinh: Lắng nghe kết hợp ghi bài.

 

doc 9 trang Người đăng minh_thuy Lượt xem 8262Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án môn Ngữ văn 11 - Tên bài dạy: Tràng Giang", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tuần: 23
Tiết: 79
Ngày soạn: 27/3/2011
Ngày dạy: 29/3/2011
Người soạn: Nguyễn Thị Thanh Thư
 Tên bài dạy : TRÀNG GIANG
 Huy Cận
MỤC TIÊU BÀI HỌC
 1. Kiến thức:
 - Cảm nhận vẻ đẹp gợi cảm của bức tranh thơ với “cảnh trời rộng sông dài”, vừa đơn sơ vừa tinh tế.
 - Cảm nhận được n0i buồn cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, nổi sầu nhân thế, niềm khát khao hòa nhập với cuộc đời và tình yêu quê hương đất nước thầm kín của tác giả.
 2. Kỹ năng: Biết cách phân tích kết cấu một bài thơ trữ tình và nét độc đáo của phong cách thơ cổ điển trong một bài thơ mới.
 3. Thái độ:
 - Giáo dục thẩm mỹ và nhân bản của bài thơ.
 - Giáo dục lòng yêu quê hương đất nước.
II. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
 - Giáo viên kết hợp các phương pháp: giảng binh, vấn đáp, gợi mở, so sánh, đọc diển cảm, thảo luận nhóm.
 - Học sinh: Lắng nghe kết hợp ghi bài.
PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC
 - Giáo viên: 
 + Sách giáo khoa Ngữ văn 11 ( Cơ bản)
 + Sách giáo viên Ngữ văn 11 ( Cơ bản)
 +Giáo án
 +Bảng phụ
 - Học sinh:
 + Sách giáo khoa Ngữ văn 11 ( Cơ bản)
 +Bài soạn
TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
Ổn định lớp: kiểm tra sỉ số (1 phút)
Kiểm tra bài cũ: (3 phút)
 * Câu hỏi:
 Đọc diễn cảm một đoạn thơ mà em thích nhất trong bài thơ “ Vội vàng” của Xuân Diệu và phát biểu c hủ đề của bài thơ.
 * Trả lời:
 - Học sinh đọc diễn cảm đoạn thơ mà mình thích.
 - Chủ đề: “ Vội vàng” đã giúp người đọc cảm nhận được quan niệm sống mới mẻ của tác giả: yêu cuộc sống trần thế, tìm thấy trong cuộc sống đó biết bao hấp dẫn,đáng sống, luôn biết tận hưởng, trân trọng những gì mà cuộc sống ban tặng.Từ đó, giúp ta càng thêm yêu mùa và tuổi trẻ. Đây là quan niệm sống rất “người”, mang ý nghĩa tích cực và thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc.
- Giáo viên nhận xét, đánh giá và cho điểm.
Dạy bài mới: (41 phút)
 * Lời vào bài: (1 phút)
 Nền Thơ mới 1930-1945 đã đóng góp cho thi đàn Việt Nam nhiều phong cách thơ độc đáo. Nếu chúng ta theo Thế Lữ vào cõi tiên, theo Lưu Trọng Lư vào những cuộc tình dài bất tận, theo cái sôi nổi quấn quýt của Xuân Diệu muốn cắn vào “xuân hồng”.Thì chúng ta cũng hãy một lần theo chân Huy Cận bước vào bể sầu nhân thế và một trong những kiệt tác kết tụ nên nỗi sầu ấy đó chính là bài thơ “Tràng giang”.
 Hôm nay, cô và các em sẽ cùng nhau tìm hiểu bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận.
Thời
gian
Hoạt động của GV và HS
Nội dung bài học
5 phút
3 phút
5 phút
5 phút
4 phút
6 phút
3 phút
7 phút
- GV hỏi: Qua phần tiểu dẫn SGK kết hợp với sự chuẩn bị bài ở nhà.Em nào có thể trình bày đôi nét về tác giả Huy Cận?
 Gợi ý:
 + Về năm sinh, năm mất; quê quán.
+ Về quá trình hoạt động.
+ Sự nghiệp sáng tác và phong cách thơ Huy Cận.
+ Tập thơ tiêu biểu. 
- HS trả lời
- GV tổng hợp
- GV hỏi: Các em hãy trình bày đôi nét về tác phẩm?
 + Xuất xứ?
 + Hoàn cảnh sáng tác?
- HS trả lời.
- GV tổng hợp.
- GV hướng dẫn cách đọc bài thơ: Bài thơ mang âm hưởng buồn, các em cần chú ý giọng đọc chậm rãi, nhẹ nhàng, trầm buồn, da diết.
- GV gọi 1 HS đọc bài thơ.
- HS đọc bài thơ.
- GV hỏi: Bài thơ này có thể chia làm mấy phần?
- HS trả lời.
- GV tổng kết lại.
- GV hỏi: Bài thơ có nhan đề là “Tràng giang”. Ai có thể giải thích ý nghĩa nhan đề của bài thơ này?
- HS giải thích.
- Gv hỏi: Vậy tại sao nhà thơ không đặt tên là “Trường giang” mà lại là “Tràng giang”?
- HS lý giải.
- GV tổng hợp
-Gv nêu vấn đề dần dắt:
 Lời đề từ là câu văn hoặc câu thơ thậm chí la cả một khổ thơ được đặt sau nhan đề.Có tác dụng làm rõ ý cho nhan đề ,và gợi cho người đọc cảm hứng bao trùm, cảm xúc chủ đạo của bài thơ.
- Gv hỏi:Lời đề từ của bài thơ này đã hé mở cho chúng ta những cảm nhận gì về bài thơ?
- Hs cảm nhận.
- Gv tổng hợp.
- Gv dẫn: Một nhà phê bình nghiên cứu văn học đã nhận xét: “Thơ Huy Cận không phải là rượu rót vào chén mà là men đang lên, không phải là hoa trên cành mà là nhựa đang chuyển”.Từ đó, muốn nhấn mạnh rằng cái hay, cái đẹp của thơ Huy Cận không phải lộ ra bên ngoài, mà như một thứ duyên ngầm bên trong. Những vần thơ lặng lẽ ben ngoài nhưng xao động, nức nở bên trong.
 Chúng sẽ đi vào phân tích bài thơ để tìm ta nét duyên ngầm bên trong ấy!.
- Gv gọi 1 Hs đọc lại khổ thơ 1.
- Gv hỏi:Ở khổ 1,tác giả đã miêu tả không gian như thế nào? Và đã được thể hiện qua những hình ảnh nào?
- Hs trả lời.
- Gv tổng hợp ý.
-Gv hỏi:Theo các em, ý nghĩ tượng trưng của những hình ảnh trên là gì?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi :Từ đó, em có nhận xét gì về mối tương quan đối lập của 2 cảnh vât? Tương quan ấy nói lên điều gì?
- Hs nhận xét, cảm nhận.
- Gv hỏi: Em có nhận xét gì về nghệ thuật ở khổ này?
+ Cách sở dụng từ ngữ.
 + Thanh điệu.
 + Hình ảnh thơ.
- Hs trả lời.
- Gv nhận xét, tổng hợp.
- Gv hỏi: Khổ 1 đã gợi điều gì trong lòng người đọc?
- Hs trả lời.
- Gv chuyển ý:
Sang khổ 2, tác giả đi sâu vào việc miêu tả chi tiết nổi buồn. Cái buồn giờ đây không còn trôi vô định trên sông nửa mà đã tấp vào một cồn đất nhỏ.Có lẻ nhà thơ muốn tìm cái gì đó để bớt cô độc, bớt buồn hơn và nhà thơ đã nhìn thấy:
- Gv mời 1 Hs đọc khổ 2.
- Gv hỏi: Thông qua những chi tiết, hình ảnh nào mà ta khẳng định không gian ở đây vẫn hoang sơ, vắng vẻ, đìu hiu?
- Hs trả lời.
-Gv tổng hợp.
- Gv hỏi: Đối lập với không gian cồn nhỏ ở trên, thì ở hai câu thơ cuối của khổ 2 đã được mở rộng ra như thế nào?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Khi miêu tả không gian, Huy Cận đã có lối diễn đạt hết sức độc đáo. Em nào phát hiện được nét dđộc đáo đó và phân tích hiệu quả biếu đạt của nó?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Trước không gian được mở rộng ra mênh mông như thế, con người cảnh vật trở nên sống động, bớt lẻ loi hay không? Vì sao?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Em có nhận xét gì về nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng ở khổ thơ này?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Tâm trạng nổi bật của khổ thơ này là gì?
- Hs trả lời. 
- Gv chuyển ý: Thơ Đường luật ngày xưa có thể chỉ tả “ Tràng giang” ít nét thôi. Đơn sơ như bút vẽ hiền hòa của Bà Huyện Thanh Quan: 
 “ Xanh um cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ”.
Cảnh xưa không xáo động vì lòng người bình yên.
 Đến Huy Cận, vợi tâm hồn cô đơn lạc lõng trước không gian “Tràng giang” bao la, thì ông đang cố tìm dấu vết của sự sống, nhưng một lần nửa không gan lại chìm đắm trong thế giới của sự ngột ngạt, lẻ loi, cô đơn đến vô cùng.
- Gv hỏi: Cảm nhận chung của em về không gian “Tràng giang” ở khổ thơ này?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Hình ảnh “bèo dạt” có khác gì với hình ảnh “củi một cành khô”?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Trong đời sống, khi nhắc đến “chuyến đò ngang”, và “ cầu” thì gợi lên được điều gì?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Nhưng ở đây, tác giả lại nói “không cầu, không đò”,thì muốn nhấn mạnh điều gì?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Từ những hình ảnh trên, các em có cảm nhận gì về cái tôi trữ tình của nhà thơ?
- Hs cảm nhận.
- Gv chuyển: Nếu như ở 3 khổ thơ đầu, tâm trạng buồn “ nổi buồn thế hệ”, nổi buồn không tìm đươc lối ra như kéo dài triền miên của thi nhân dàn trãi theo cái mênh mang, vô định của sông nước. Thì đến khổ thơ cuối tâm trạng ấy dường như đã tìm được lối thoát trong những không gian hoàng hôn của buổi chiều tà.
- Gv hỏi: Em có thể dựng lại bức tranh thiên nhiên “Tràng Giang” ở hai câu thơ đầu?
- Hs trả lời:
- Gv hỏi: Chi tiết “chim nghiêng cánh nhỏ” gợi cho các em điều gì?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Hình ảnh cánh chim ấy làm em nhớ lại những câu thơ nào?
-Hs trả lời.
- Gv hỏi: Em có cảm nhận gì về yếu tố thời gian được tác giả gởi gắm qua hình ảnh “bóng chiều sa”?
- Hs cảm nhận.
- Gv hỏi: Ở hai câu thơ cuối, Huy Cận đã kế thừa và sáng tạo ý thơ nào của một thi nhân đời Đường để thể hiện nỗi lòng mình?
- Hs trả lời.
- Gv hỏi: Bao trùm cả bài thơ là một nỗi buồn, mà Huy Cận cho đó là “nỗi buồn thế hệ”, em có suy nghĩ gì về nét suy tư này của tác giả?
-Hs trả lời.
- Gv hỏi: Qua việc phân tích trên, em nào có thể khái quát lại giá trị nội dung của tác phẩm?
- Hs khái quát.
- Gv hỏi: Có ý kiến cho rằng: “Tràng giang” là một bài thơ vừa cổ điển vừa hiện đại. Các em cùng thảo luận để tìm ra nét cổ điển và hiện đại trong bài thơ này.
- Lớp chia làm 4 nhóm thảo luận(5 phút).
-Từng nhóm trình bài ý kiến đã thảo luận.
I.GIỚI THIỆU CHUNG
 1.Tác giả:
 - Cù Huy Cận (1919-2005), quê ở Hà Tĩnh.
 - Là nhà thơ lãng mạn, sớm đi theo cách mạng và giữ nhiều trọng trách trong bộ máy chính quyền của Đảng.
 - Là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với những vần thơ “ảo nảo và bật nhất”.
 -Thơ Huy Cận có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển (chủ yếu là cổ điển Đường thi của Trung Quốc) với thi pháp thơ tượng trưng Pháp.
 - Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng,triết lý.
 - Huy Cận được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
 * Tập thơ tiêu biểu: Lửa thiêng (1940), Đất nở hoa (1960), Bài ca cuộc đời (1963), ...
=> Huy Cận là một nhà thơ tài ba, một nhà hoạt động xã họi có uy tín.
2. Tác phẩm:
 a. Xuất xứ: sáng tác 1939 in trong tập “ Lửa thiêng”.
 b. Hoàn cảnh sáng tác:
 Trước cách mạng tháng Tám, vào mỗi buổi chiều chủ nhật Huy Cận có thói quen lên vùng Chèm,Vẽ để ngắm cảnh Tây Hồ và sông Hồng. Một chiều thu năm 1939, tứ thơ “Tràng giang” được hình thành khi Huy Cận đang đứng ở bờ Nam bến Chèm nhìn cảnh sông nước sông Hồng mênh mông.
 Bài thơ được hoàn thành sau 13 lần sửa bản thảo.
 c. Bố cục: 4 phần:
 - Phần 1 (khổ 1): Cảnh vật trên sông và tâm tư của nhà thơ.
 - Phần 2 (khổ 2): Sự hoang vắng, quạnh quẽ của cảnh vật và nổi sầu của thi nhân.
 - Phần 3 (khổ 3): Nỗi cô đơn, lạc lõng đến tột cùng của thi nhân trước cuộc đời.
 - Phần 4 (khổ 4): Nét đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và nổi nhớ quê hương da diết của nhà thơ.
II. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN:
 1. Nhan đề và lời đề từ:
 * Nhan đề:
- “Tràng giang”
 “Tràng” (trường) dài => sông dài.
 “ giang” sông 
 - Âm hưởng vang xa của 2 vần “ang” liền kề nhau, còn gợi lên hình ảnh một dòng sông rộng.
 - Đây là cách diễn đạt mới trong thơ Huy Cận, nhằm tránh sự nhầm lẫn với con sông Trường Giang ở Trung Quốc.
*Lời đề từ :“ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”
 - Là cảm xúc “bâng khuâng” “nhớ” trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn “trời rộng” “sông dài”.
 - Là nỗi buồn phảng phất được gợi lên từ sự xa cách, chia ly – “trời rộng nhớ sông dài”.
 => Cái hay, cái đẹp, cái buồn của “Tràng giang” đã được thể hiện qua nhan đề và lời đề từ.
2.Cảnh vật trên sông và tâm tư của nhà thơ.(khổ 1)
- Mở đầu bài thơ ta bắt gặp một không gian mênh mông, vắng lặng.Muôn vàn con sóng xô đuổi nhau trên sông, mỗi con sóng như ùa vào lòng nhà thơ một nỗi buồn.Có bao nhiêu con sóng trên sông là bấy nhiêu nỗi buồn trong lòng nhà thơ.
 + Từ láy “điệp điệp” kết hợp với hình ảnh “sóng gợn” vừa để diễn tả con sóng trên sông vừa gợi nổi buồn trong lòng người.
 + Không gian rợn ngợp hơn xuất hiện trên sông những sự vật nhỏ bé:
 ž “Con thuyền xuôi mái”: lênh đênh, trôi nổi.
 ž “Thuyền về nước lại”: thuyền nước vận động ngược chiều nhau, gợi nỏi sầu chia li, tan tác.
 ž “Củi một cành khô lạc mấy dòng”: nhỏ nhoi, lạc loài,cô độc.
=> Thân phận “thuyền” và “củi” mang sắc thái ý nghĩa rất sâu sắc.Đó chính là tâm trạng của những con người đã và đang trãi qua bai tan thương, biến đổi của cuộc đời. Đây cũng chính sự tự ý thức về thân phận của cái tôi thời Thơ mới. 
- Có sự tương quan đối lập: không gian “Tràng giang” bao la >< thế giới con người nhỏ bé, cô đơn.
 * Nghệ thuật:
- Sử dụng nhiều từ rất đắt, mang hơi thở cổ điển nhằm diễn tả nổi buồn:
 + “Sóng gợn”, “tràng giang”
 + “nước song song”, “buồn điệp điệp”,”thuyền về nước lại”,....
 + “Sầu trăm ngã”: nổi sầu từ trăm ngã cuộc đời về đây hội tụ nơi dòng tràng giang.
- Sử dụng nhiều từ láy nguyên: “điệp điệp”, “song song”.
- Đảo ngữ: “ Củi một cành khô lạc mấy dòng”.
- Cấu trúc đăng đối.
- Thanh điệu có hoán vị bằng trắc – trắc đều đặn.
- Hình ảnh thơ hiện đại “ củi một cành khô lạc mấy dòng”.
 Sắc thái cổ điển và hiện đại hòa quyện vào nhau một cách nhuần nhuyễn tạo cho khổ thơ một âm điệu, tiết tấu nhịp nhàng, chậm rãi, trầm buồn.
=> Nỗi buồn của Huy Cận thấm sâu vào cảnh vật.Mỗi một câu chữ, một hình ảnh mang nặng một nổi buồn.Dòng “Tràng giang” đang chở nặng một nổi sầu nhân thế.
3. Sự hoang vắng, quạnh quẽ của cảnh vật và nỗi sầu của thi nhân:
- Bức tranh “Tràng giang” giờ đây có thêm làng, thêm chợ; nghĩa là thêm hơi hướng của con người, nhưng vẫn hoang sơ, vắng vẻ, đìu hiu.
 + Không gian “cồn nhỏ” thưa thớt, vắng lặng ,thiếu sự quần tụ, kết dính - “lơ thơ”.
 + Có gió nhưng rất nhẹ - “đìu hiu”
 + Có cả âm thanh xao xác, mơ hồ vẳng lại từ một làng xa của một phiên chợ tàn.
 Huy Cận đã vận dụng khá tự nhiên một thủ pháp quan trọng trong thi pháp cổ điển: “họa vân hiển nguyệt”, “lấy động tả tĩnh”.
- Nỗi buồn như trãi rộng hơn trước nền không gian mà tác giả dựng lên bằng những từ ngữ vô cùng độc đáo:
 + Câu thơ miêu tả khoảnh khắc ngắn ngủi lúc hoàng hôn.
+ Cùng một lúc Huy Cận đã sử dụng thủ pháp của một nhà nhiếp ảnh và nghệ thuật, của một nhà hội họa để dựng lên một bức tranh độc đáo: Không gian được mở rộng ở nhiều chiều khác nhau ( cao, dài,rộng)
 + “Sâu chót vót”: chứ không phải là “cao chót vót”. “Chót vót” chỉ diễn tả được chiều cao; “sâu chót vót” vừa cao chót vót vừa sâu thăm thẳm. Không gian như vụt lớn hơn, từng vạt nắng từ trên cao rọi xuống tạo nên những khoảng sâu thăm thẳm.
- Và giờ đây, trước không gian ấy con người dường như nhỏ bé hơn, trơ trọi hơn và nỗi buồn dường như mênh mông hơn. Cái tôi trữ tình của nhà thơ chỉ là “một chiếc linh hồn nhỏ” bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời, giữa vũ trụ bao la.
* Nghệ thuật:
- Cảm giác buồn gợi vào trong từng vần điệu, trong các từ láy gợi hình ảnh mong manh, cô quạnh:
 + “Lơ thơ”: gợi hình ảnh
 + “Đìu hiu”: gợi cảm giác
 + “Sâu chót vót”: gợi chiều cao và chiều sâu.
- Nghệ thuật “họa vân hiển nguyệt”
- Nghệ thuật đối.
Tất cả đã phát huy hét hiệu quả để miêu tả nỗi buồn – buồn đến lạnh lẽo cô đơn, buồn đến rợn ngợp tâm hồn.
 => Khổ thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi buồn, nỗi cô đơn trông trãi đến rợn ngợp tâm hồn. Như Xuân Diệu đã từng nói: “Huy Cận đã đứng trên cái đài thiên văn của linh hồn, mà nhìn ra cõi bát ngát, mà lay cái cầu vũ trụ, màm lắng nghe cái xa vắng mênh mông của đất trời xung quanh mình”.Đây là vị thế của cái tôi trữ tình Huy Cận và cũng chính là vị thế của cái tôi trong Thơ mới.
4.Nỗi cô đơn, lạc lõng đến tột cùng của thi nhân trước cuộc đời:
- Cảnh vật giờ đây có thêm bờ, thêm bãi, có thêm ít màu xanh sắc vàng tô điểm cho bức tranh “Tràng giang”, và thay thế hình ảnh “củi một cành khô” là hình ảnh những đám “bèo” “hàng nối hàng” nối nhau đi mãi, gơi lên sự lênh đênh, phiêu bạt.
- Nó giống với hình ảnh “củi một cành khô” nhưng sắc thái biếu cảm thì khác nhau:
 + “ Củi một cành khô”: nỗi buồn về sự tan thương, biến đổi.
 + “Bèo”: nỗi buồn về sự hợp tan của cuộc đời, nó ẩn chứa một sự gắn bó hờ hững, mong manh, hợp đó rồi tan đó.
Và sắc thái biểu cảm cũng khác nhau:
 + “Củi một cành khô”:nỗi buồn chỉ dừng lại ở cái tôi cá nhân.
 + “Bèo ... hàng”: nỗi buồn lan tỏa thấm sâu vào tâm hồn của cả một thế hệ. Đó là tâm trạng chung của lớp thế hệ trẻ thanh niên những năm 30 – mất nước, bế tắc, mang tâm trạng hoang mang,choáng ngợp khi thấy mình đang phiên bạc giữa cuộc đời như những cánh bèo đang trôi vô định trên sông. Nhưng không phải vì thế mà họ quên hết chất thơ, cái đẹp của đời. Trái lại, họ vẫn thiết tha yêu thương cuộc sống, yêu thiên nhiên, đất nước, yêu con người.
- Huy Cận cũng thế, đang khát khao kiếm sự gắn bó, niềm thân mật giữa cuộc đời thì chỉ thấy:
“ Mênh mông không một chuyến đò ngang
 Không cầu gợi chút niềm thân mật
 Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
 + “Đò”, “cầu”: phương tiện để gắn kết đôi bờ
 + Cấu trúc phủ định “ không... không...” dồn chứa niềm tuyệt vọng, phủ định hoàn toàn sự gắn kết của con người; tạo sự xa cách, chia lìa.
- Đến đây tâm trạng cô đơn lên đến đỉnh điểm, ước mong chỉ tìm thấy một “chút niềm thân mật” ở một “chuyến đò ngang”, một sự nối kết nào đó qua chiếc “cầu” nhỏ bé, nhưng tất cả đều không có được: 
“Thuyền không giao nối đây qua đó
Vạn thuở chờ mong một cánh buồm”.
Giờ đây chỉ còn có “bờ xanh” với “bãi vàng” cứ lặng lẽ, im lìm, lặn ngụp trong không gian.
=> Lột tả hết nỗi buồn, sự bơ vơ, lạc lõng đến đỉnh điểm tột cùng dấu hiệu của sự sống, sự giao hòa giữa người với người.
5.Nét đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ: 
- Huy Cận đã khép lại bài thơ vào cái khoảnh khắc buồn nhất của một ngày – một cảnh hoàng hôn rất “Đường thi”:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”
 + “Thiên nhiên tạo vật buồn nhưng đôi lúc bộc lộ vẻ đẹp kỳ vĩ, lạ lùng”. Đó là lời tự bình của tác giả về hai câu thơ này.
 + “Tràng giang” rạng ngời vẻ đẹp tráng lệ với “lớp lớp” những tầng mây từ khắp nơi trôi về phía chân trời, rồi “đùn” lên thành những núi mây. Và trong ánh nắng của hoàng hôn, những ngọn núi mây ấy sáng lên màu bạc – “núi bạc”. Huy Cận đã học được chữ “đùn” trong bài dịch thơ của Đỗ Phủ:
“Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùn cửa ải xa”.
 + Trong suốt hành trình “Tràng giang”, hình ảnh thi nhân cô đơn trong từng cảnh vật thay đổi nhưng cùng chung một dáng vẻ: trôi nổi, lạc loài, vô định (củi, bèo). Và ở đây, hình ảnh mang nỗi buồn của thi nhân thấp thoáng ẩn hiện trong hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ” và đang chở nặng “bóng chiều sa”.
Hình ảnh cánh chim bay liệng trong buổi chiều hoàng hôn là hình ảnh mang tính ước lệ tượng trưng trong thơ cổ điển. Không gian ấy, cánh chim ấy là nơi bao thi nhân xưa thả những tâm tình thiết tha vào đó.
“Chim hôm thoi thót về rừng”
 (Nguyễn Du)
Rồi: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”
Và: “Ngày mai gió cuốn chim bay mỏi”.
 (Bà Huyện Thanh Quan)
Đó là sự giao cảm, sự đồng điệu giữa cái hiện đại và cái cổ điển trong thơ Huy Cận.
 + Yếu tố thời gian được tác giả thể hiện giàu sức gợi cảm qua hình ảnh “bóng chiều sa”. Cái độc đáo ở đây chính là cách nhìn của nhà thơ _ “Trong cách chim nghiêng, tác giả thấy được “bóng chiều sa”. Trong lúc Nguyễn Du thấy “bóng chiều” qua nhành “tơ liễu thướt tha”, Hàn Mặc Tử thấy “bóng xuân sang” trên những giàn thiên lý, thì ở đây Huy Cận tỏ ra tinh tế không kém khi nhận thấy “bóng chiều” trên một cánh chim nghiêng.
“Bóng chiều” như một vật khối đè nặng, mang sức nặng vô hình đè lên cánh chim nhỏ bé, khiến nó phải nghiêng cánh, phải chao đảo.
- Vào đúng giây phút ấy, nhà thơ chợt dâng trào một nỗi nhớ quê hương da diết:
“Lòng quê..... nhớ nhà”
Trong suốt hành trình “Tràng giang”, ta luôn bắt gặp những từ láy, tựa như một bản nhạc buồn với những âm điệu thê thiết. Và nốt nhạc kết thúc là “dợn dợn” diễn tả sự rợn ngợp của nhà thơ trước cảnh trời nước mênh mông trong khoảnh khắc hoàng hôn.
Âm hưởng thơ Đường triền miên trong câu thơ cuối, mượn niềm luyến nhớ của Thôi Hiệu trong bài “Hoàng Hạc Lâu” 
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai).
 (Tản Đà dịch)
- Ở đây, Huy Cận mượn ý thơ của Thôi Hiệu nhưng cũng thêm cho Thôi Hiệu. Xưa Thôi Hiệu nhìn thấy khói sóng trên sông mà nhớ quê, nay Huy Cận nhìn thấy không gian hoang vắng, thấy sóng gợn “Tràng giang” mà dậy lên trong lòng nỗi buồn nhớ quê hương. Cái khác biệt ở đây là nỗi buồn của Huy Cận không chỉ thông qua tác động của ngoại cảnh, mà nỗi buồn được khởi phát bởi chính lòng mình, từ Những con sóng lòng đang dâng trào mãnh liệt. Bởi thế, sắc thái buồn càng được tô đậm hơn.
=> Trước không gian bao la của cuộc đời, con người dễ cảm thấy bị cô độc, nhỏ bé nên thường đi tìm một chỗ dựa tinh thần. Huy Cận đang chìm đắm trong nỗi cô đơn, nên ông cũng tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần, chỗ dựa ấy chính là quê hương. Từ đó, ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước rất sâu sắc trong tâm hồn của thi.
- Bao trùm cả bài thơ là một nỗi buồn – “nỗi buồn thế hệ” – thế hệ thanh niên tri thức trong những năm tháng mất nước, bế tắc, ngột ngạt. Nỗi buồn trong sáng xuất phát từ lòng yêu nước thầm kín.
III. TỔNG KẾT:
1.Giá trị nội dung:
- “Tràng giang” là một bài thơ đặc sắc của Huy Cận nói riêng và phong trào Thơ mới nói chung. Bài thơ thể hiện sâu sắc, tinh tế tâm trạng của cái tôi bơ vơ trước không gian bao la, rộng lớn và tấm lòng thiết tha của thi nhân đối với quê hương đất nước.
- Người ta thường nói: “Lòng yêu nước là điểm níu giữ, là nơi neo đậu cho mọi cuộc phiêu lưu trong cảm xúc của các nhà thơ mới”. Quả đúng như vậy, khi cảm nhận về “Tràng giang”, Xuân Diệu đã từng khẳng định: “Tràng giang là một bài thơ ca hát với non sông đất nước, do đó nó đã dọn đường cho tình yêu giang sơn Tổ quốc”.
2. Giá trị nghệ thuật: Bài thơ vừa có nét đẹp cổ điển vừa mang nét đẹp hiện đại:
- Cổ điển:
 + Thể thơ thất ngôn trang nghiêm với cách ngắt nhịp 4/3, tạo sự cân đối hài hòa.
 + Sự nhạy cảm của tác giả với cảnh tượng thiên nhiên bát ngát, không gian vô tận.
 + Cách thức miêu tả thiên nhiên bằng những nét chấm phá.
 + Sử dụng thi liệu cổ (mây, sóng, cánh chim, ...).
 + Âm điệu thơ trầm buồn.
 + Sử dụng nhiều từ láy nguyên (điệp điệp, song song, dợn dợn), mang nét cổ kính của thơ đường; kết hợp với các từ ngữ cổ điển (đìu hiu, sầu, ...).
 + Nỗi buồn của tác giả ẩn sau cảnh vật.
 + Vận dụng sáng tạo lối diễn đạt và các ý trong các tứ thơ cổ điển, gợi không khí trang nghiêm, trầm mặc của thơ Đường.
- Hiện đại:
 + Vận dụng sáng tạo thể thơ 7 chữ.
 + Sử dụng các từ ngữ hiện đại: củi, sâu chót vót; dấu hai chấm giữa dòng.
 + Bài thơ mang tâm trạng hiện đại – yêu quê hương đất nước.
=> Bài thơ mang phong cách tiêu biểu rất “Huy Cận”, với vẻ đẹp cổ điển trang nhã, sâu lắng và vẻ đẹp hiện đại mang nặng nỗi lòng yêu quê hương đất nước.
 IV. CỦNG CỐ:
 - Học sinh đọc phần ghi nhớ.
 - Học thuộc bài thơ, nắm vững tác giả, tác phẩm (1 phút).
 V. DẶN DÒ: Chuẩn bị bài “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử) (1 phút).

Tài liệu đính kèm:

  • docTRÀNG GIANG- Huy Cận.doc