Giáo án môn Ngữ văn 11 - Khái quát văn học dân gian Việt Nam

Giáo án môn Ngữ văn 11 - Khái quát văn học dân gian Việt Nam

Kết quả cần đạt :

 Sau bài học, HS phải :

- Hiểu được và nhớ được những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian : tính truyền miệng và tính tập thể.

- Nắm được khái niệm về các thể loại của văn học dân gian Việt Nam : nhớ và kể tên các thể loại, biết sơ bộ và phân biệt thể loại này với thể loại khác trong hệ thống.

- Hiểu được những giá trị to lớn của văn học dân gian, từ đó có thái độ trân trọng đối với những di sản văn hóa tinh thần của dân tộc và học tập tốt hơn phần văn học dân gian trong chương trình.

 

doc 16 trang Người đăng minh_thuy Lượt xem 2939Lượt tải 4 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án môn Ngữ văn 11 - Khái quát văn học dân gian Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Khái quát văn học dân gian Việt Nam
	Kết quả cần đạt :
	Sau bài học, HS phải :
- Hiểu được và nhớ được những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian : tính truyền miệng và tính tập thể.
- Nắm được khái niệm về các thể loại của văn học dân gian Việt Nam : nhớ và kể tên các thể loại, biết sơ bộ và phân biệt thể loại này với thể loại khác trong hệ thống.
- Hiểu được những giá trị to lớn của văn học dân gian, từ đó có thái độ trân trọng đối với những di sản văn hóa tinh thần của dân tộc và học tập tốt hơn phần văn học dân gian trong chương trình.
III. Hoạt động của giáo viên (GV) – học sinh (HS) :
Hoạt động 1 : 	Tổ chức HS học Mục I
I. Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian.
1. Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng (tính truyền miệng) 
GV : Nhận định này của SGK có thể phân tích thành mấy ý ? Đó là những ý nào ?
HS : 2 ý :
Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.
Văn học dân gian tồn tại và lưu hành theo phương thức truyền miệng 
1.1. Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ.
GV : Dân gian ta có 02 bài ca dao quen thuộc sau đây (GV chiếu trên máy hoặc chép trên bảng 02 bài ca dao này) :
- 	Thuyền về có nhớ bến chăng ?
 Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
	- Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông, bát ngát
 	 Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông
	 Thân em như chẽn lúa đòng đòng
	 Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
	ở bài ca dao thứ nhất, hai hình tượng “thuyền” và “bến” nên được hiểu như thế nào ? Bài ca dao này diễn tả tâm trạng gì, của ai ?
	HS : “Thuyền” vốn là một từ để chỉ một loại phương tiện giao thông nhỏ trên mặt nước còn “bến” là từ chỉ nơi neo, đậu của tàu, thuyền ; nơi dừng trả khách, đón khách của tàu, xe... Nhưng trong bài ca dao này, “thuyền” và “bến” là những hình ảnh ẩn dụ để chỉ người con trai và người con gái. Bài ca dao là lời của người con gái nói với người con trai về tình cảm nhớ thương, chờ mong, chờ đợi, thủy chung, gắn bó của mình. 
	GV : 	Thử tìm cách nói thông thường, quen thuộc trong cuộc sống mang ý nghĩa tương tự. So với cách nói ấy, cách nói của dân gian trong bài ca dao có gì khác ? 
HS : Trong đời thường, khi xa nhau người con gái có thể nói những câu như : Em sẽ chờ anh ! Em sẽ nhớ anh vô cùng !... So với cách nói ấy, cách nói của dân gian trong bài ca dao thú vị hơn, hay hơn bởi nó giàu hình ảnh, vừa thể hiện được tình cảm sâu nặng (một dạ khăng khăng) của cô gái dành cho chàng trai, vừa ý nhị, kín đáo mà thiết tha rất “con gái”.
GV : Bài ca dao thứ 2 vẽ lên một bức tranh thế nào ? Vẻ đẹp và tâm trạng của cô gái được thể hiện ra sao trong bài ca dao ? (qua không gian, hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật ?)
HS : Đó là một bức tranh đẹp, rộng mở, khoáng đạt. Qua thủ pháp liên tưởng, so sánh với hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng” tác giả dân gian đã gợi ra trước mắt người đọc hình ảnh một người thiếu nữ đương thì xuân sắc. Cái thế đứng và sự nhìn ngắm “Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng - Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng”, cái không gian “mênh mông, bát ngát, bát ngát mênh mông” cộng với hình ảnh “chẽn lúa đòng đòng” “Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai” cho thấy một tâm hồn thảnh thơi, tâm trạng náo nức, rạo rực, phơi phới của người con gái vào tuổi dậy thì.
GV : Từ việc tìm hiểu 2 ví dụ trên, các em có nhận xét gì về ngôn từ trong tác phẩm văn học dân gian ? (đơn nghĩa hay đa nghĩa; giàu hình ảnh và màu sắc biểu cảm hay khô khan, xơ cứng).
HS : Đó là thứ ngôn từ đa nghĩa; giàu hình ảnh và màu sắc biểu cảm.
GV : Đây chính là đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật, văn bản ngôn từ văn học nói chung. Đó là thứ ngôn ngữ đã được lựa chọn, gia công, tổ chức một cách khéo léo, tinh vi khác xa với những văn bản nói/viết thông thường hay các văn bản lịch sử, địa lý, chính trị...
1.2.Văn học dân gian tồn tại và lưu hành theo phương thức truyền miệng
GV : Thế nào là phương thức truyền miệng ?
HS : Truyền miệng là lưu truyền từ người này sang người khác, từ đời trước đến đời sau bằng lời nói hoặc trình diễn...; không lưu hành bằng chữ viết.
GV : (diễn giảng để HS hiểu rõ hơn khái niệm truyền miệng)
+ Truyền miệng là sự ghi nhớ theo kiểu nhập tâm và phổ biến bằng lời nói hoặc trình diễn cho người khác nghe, xem. Văn học dân gian khi được phổ biến lại, đã thông qua lăng kính chủ quan của người truyền tụng nên thường được sáng tạo thêm.
+ Truyền miệng như thế nào ? Truyền miệng theo không gian : là sự di chuyển tác phẩm từ nơi này sang nơi khác ; truyền miệng theo thời gian : là sự bảo lưu tác phẩm từ đời này qua đời khác, từ thời đại này qua thời đại khác.
+ Quá trình truyền miệng được thực hiện thông qua diễn xướng dân gian. Tham gia diễn xướng, ít là một, hai người, nhiều là cả một tập thể trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các hình thức diễn xướng : nói, kể, hát, diễn...
GV : (gợi ý, hướng dẫn HS lấy các ví dụ minh họa để HS hiểu rõ hơn về quá trình truyền miệng được thực hiện qua các diễn xướng dân gian) 
+ Em nào nhớ, thuộc một, hai bài đồng dao mà mình được nghe hát hoặc hát trong các sinh hoạt thiếu nhi thuở nhỏ mà đến bây giờ vẫn được lưu hành ?
(GV gợi ý : 
-	Nhong nhong nhong, ngựa ông đã về
	Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn
	-	Dung dăng dung dẻ
	Dắt trẻ đi chơi
	...
	-	Rồng rắn lên mây
	Có cây núc nác
	Hỏi thăm thầy thuốc
	Có nhà hay không...)
	+ Em nào nhớ các câu tục ngữ, câu nói có vần... quen thuộc vẫn được lưu hành ở nhiều nơi trên đất nước ta từ đời này sang đời khác ?
	(GV gợi ý :
	-	Uống nước nhớ nguồn
	-	Cái nết đánh chết cái đẹp
	-	Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống
	-	Con gà cục tác lá chanh.
	Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
	Con chó khóc đứng khóc ngồi
	Bà ơi đi chợ mua tôi củ giềng.) 	
	+ GV ngâm (hoặc gọi HS biết hát, ngâm) một vài làn điệu nào đó :
	- Điệu cò lả : 
	Con cò bay lả, bay la
	Bay từ cổng phủ bay ra cánh đồng
- Dân ca quan họ Bắc Ninh :	
	Còn duyên kể đón người đưa
Hết duyên đi sớm về trưa một mình 
	+ GV cũng có thể cho HS xem băng một đoạn hát chèo hoặc hát văn (trên thị trường âm nhạc, ở các cửa hàng băng đĩa đều có rất nhiều các đĩa VCD, DVD này) để các em thấy rõ hơn các hình thức diễn xướng. 
2. Văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tạo tập thể (tính tập thể)
GV : nêu tình huống học tập 1 (dành cho HS trung bình)
Chúng ta đều biết bài ca dao :
Con cò bay lả, bay la
	Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng
hay :
Con cò bay lả, bay la
	Bay từ cửa phủ bay về Đồng Đăng
và bài thơ sau trong SGK Ngữ văn 9 - tập 2 :
	Con còn bế trên tay
	Con chưa biết con cò
	Nhưng trong lời mẹ hát 
	Có cánh cò đang bay :
“Con cò bay la
Con cò bay lả
	Con cò cổng phủ 
Con cò Đồng Đăng...”
...
 	 (Trích : Con cò (1962) của Chế Lan Viên)
(GV chiếu trên máy các văn bản trên)
Về mặt hình thức văn bản, đâu là sự khác nhau giữa hai văn bản văn học dân gian và văn bản bài thơ Con cò ?
HS : 
- Hai văn bản dân gian không có tên tác giả, không biết tác giả cụ thể là ai, có thể là một người mà cũng có thể là nhiều người cùng tham gia sáng tác và không biết được sáng tác khi nào ; trong khi ai đã đọc và học SGK Ngữ văn 9 – tập 2 hoặc đọc thơ Chế Lan Viên... đều biết bài thơ Con cò của tác giả Chế Lan Viên – sáng tác năm 1962, in trong tập Hoa ngày thường – Chim báo bão (1967). 
- Cùng một hình tượng “con cò”, cùng một lối diễn đạt (ý, tứ) nhưng có một chút khác nhau về từ ngữ trong hai văn bản văn học dân gian : ở văn bản 1 là “cánh đồng” ; văn bản 2 là “Đồng Đăng”. Trong khi đó chỉ có duy nhất văn bản bài Con cò - Chế Lan Viên. 
GV : (giảng thêm để HS rõ) Hai bài ca dao nói trên được lưu truyền trong dân gian ta từ lâu. Không ai biết chúng xuất hiện khi nào. Nhiều người chỉ biết nó qua lời ru của bà, của mẹ. Rất có thể, ban đầu một trong hai bài ca dao được một người nào đó sáng tác nhưng sau đó quần chúng lao động (nhiều người) đã tiếp nhận và hoàn thiện thêm, thậm chí thay đổi cho phù hợp với vùng, miền, hoàn cảnh cảm xúc. Và đến bây giờ thì chúng đã là sản phẩm của nhiều người, của tập thể.
Từ ví dụ trên, em nào có thể rút ra một đặc trưng cơ bản của văn học dân gian trong sự phân biệt với văn học viết ?
HS : 
- Nếu văn học viết là sáng tác cá nhân, cụ thể thì văn học dân gian là sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể, không rõ danh tính tác giả. 
- Văn học dân gian có những bản khác nhau (dị bản) tức là người ta (ở các địa phương, thời đại khác nhau) có thể điều chỉnh, thay đổi một văn bản văn học dân gian nào đó. Trong khi đó, nếu không được phép của tác giả hay người nhà tác giả (khi tác giả đã mất...) không ai có thể bổ sung hay sửa chữa tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ...
GV : (nêu vấn đề, dành cho HS khá)
Thực ra, trong văn học viết cũng có những tác phẩm là kết quả của sáng tác tập thể. Chẳng hạn như : Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái, Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần (viết 80 hồi đầu) và Cao Ngạc (viết 40 hồi sau)... Vậy đâu là điểm phân biệt giữa những sáng tác kiểu này của văn học viết và văn học dân gian ? Hãy thử đi tìm nguyên nhân ? 
HS (thảo luận) : ở văn học viết – dù tác phẩm là sản phẩm của bao nhiêu tác giả thì người ta vẫn xác định được danh tính của các tác giả ấy (trừ phi tác phẩm ấy bị thất truyền và những công trình, văn bản ghi chép về nó bị mất). Trong khi đó, chúng ta không thể xác định cụ thể tác giả của tác phẩm văn học dân gian. Nguyên nhân cơ bản là ở phương thức tồn tại và lưu hành. Văn học viết tồn tại và lưu hành bằng chữ viết có thể ghi chép, giữ lại theo thời gian trong khi văn học dân gian tồn tại và lưu hành bằng truyền miệng, chính vì bằng truyền miệng nên lâu ngày người ta không nhớ được và cũng không cần nhớ ai đã từng là tác giả. Mặt khác, thời điểm sáng tác của các tác giả văn học viết thường là rất rõ ngay cả khi đó là tập thể tác giả trong khi đó các tác giả dân gian không cùng một lúc tham gia sáng tác mà ở nhiều thời điểm khác nhau, không gian khác nhau.
GV : Từ sự phân tích trên, hãy trả lời câu hỏi : thế nào là tính tập thể trong sáng tác văn học dân gian (tập thể ? quá trình sáng tác tập thể ?) 
HS : Tập thể hiểu là nhiều người, một nhóm người, hiểu theo nghĩa rộng là một cộng đồng dân cư. Tập thể bao gồm nhiều cá nhân nhưng không phải tất cả các cá nhân cùng một lúc tham gia sáng tác. Ban đầu, có thể một cá nhân nào đó khởi xướng và tập thể tiếp nhận. Sau đó những người khác ở những thời điểm khác nhau, không gian khác nhau lưu truyền và sáng tác thêm. 
Hoạt động 2 : Tổ chức HS học Mục II
II. Hệ thống thể loại của văn học dân gian 
GV: (tổ chức HS học tập theo nhóm - 04 HS/1nhóm)
Yêu cầu HS gấp SGK. Trên cơ sở HS đã chuẩn bị bài ở nhà (tiết trước GV đã yêu cầu HS dựa vào những kiến thức đã được học ở THCS tìm các VD cho từng thể loại). Các nhóm liệt kê - trong thời gian nhanh nhất - những thể loại văn học dân gian đã biết rồi sau đó đại diện nhóm trình bày trước cả lớp. Mỗi loại nêu một, hai ví dụ.
HS : Thần thoại (Thần trụ trời, Cóc kiện trời) ; Sử thi (Đăm Săn ; Đẻ đất đẻ nước) ; Truyền thuyết (Con Rồng Cháu Tiên, Sơn Tinh Thủy Tinh ; An Dương Vương và Mỵ Châu Trọng Thuỷ) ; Truyện cổ tích (Tấm Cám, Thạch Sanh) ; Truyện ngụ ngôn ( ... ể loại cơ bản trên cơ sở so sánh. Cụ thể: 
* Thần thoại khác truyện thơ khác sử thi thế nào ?
* Truyện cổ tích khác truyện ngụ ngôn thế nào ?
* Tục ngữ khác ca dao thế nào ?
HS : 
- Thần thoại, truyện thơ, sử thi đều là tác phẩm tự sự dân gian nhưng mỗi thể loại có đặc trưng riêng. Về hình thức nghệ thuật : ngôn ngữ thần thoại là ngôn ngữ văn xuôi trong khi ngôn ngữ sử thi có vần, nhịp; ngôn ngữ truyện thơ là ngôn ngữ thơ ca. Về nội dung : thần thoại là truyện kể về các vị thần nhằm giải thích tự nhiên, nguồn gốc ra đời của con người, dân tộc; sử thi tuy có yếu tố hoang đường, kỳ ảo, có sự xuất hiện của thần linh nhưng chủ yếu là kể về những sự kiện, biến cố của cả một cộng đồng người, hoặc kể về người anh hùng - điển hình tiêu biểu cho vẻ đẹp và sức mạnh của cộng đồng; trong khi đó nội dung của truyện thơ lại chủ yếu là những vấn đề đặt ra của đời sống sinh hoạt thường nhật của con người với những số phận, khát vọng, ước mơ, hạnh phúc lứa đôi....
- Khác với truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn bao giờ cũng thông qua các ẩn dụ (phần lớn là hình tượng loài vật) để kể về các sự kiện, phản ánh các vấn đề của đời sống con người.
- Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có vần trong khi ca dao là thơ trữ tình dân gian. Điểm khác cơ bản giữa ca dao với tục ngữ là ở chỗ : ca dao thường kết hợp với âm nhạc khi diễn xướng. 
Hoạt động 3 : 	Tổ chức HS học Mục III
III. Những giá trị cơ bản của văn học dân gian
1. Văn học dân gian là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc
GV (nêu vấn đề) : văn học dân gian có giá trị lớn lao về mặt nhận thức bởi đó là kho tàng tri thức về nhiều lĩnh vực của đời sống con người, dân tộc. Nghĩa là đọc văn học dân gian ta có thể thu nạp cho mình những kiến thức nhiều mặt về tự nhiên, xã hội, kinh nghiệm sản xuất, phong tục tập quán, quan điểm, suy nghĩ của nhân dân, cha ông ta ngày trước... Dựa vào các tác phẩm văn học dân gian đã học, em nào có thể làm rõ nhận định này ? (GV gợi ý HS một số tác phẩm để chứng minh : truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, truyện cổ tích Trầu cau, tục ngữ về kinh nghiệm lao động sản xuất, ca dao, truyện thơ...) 
HS : 
- Truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh không chỉ cho ta biết một hiện tượng thường niên của thiên nhiên : lũ lụt, mà còn cho thấy sức mạnh và ước mong của cha ông ta muốn chế ngự thiên tai.
- Truyện cổ tích Trầu cau lại cho ta biết một phong tục, một nét đặc sắc văn hóa của người Việt : tục ăn trầu, miếng trầu là đầu câu chuyện .
- Câu tục ngữ Nhất thì, nhì thục cho ta biết một kinh nghiệm trồng trọt đã được dân gian tổng kết. Trong trồng trọt, điều quan trọng trước tiên là thì tức là thời vụ, mùa nào trồng cây ấy, lúc thời tiết thích hợp. Sau đó mới là thục tức là cày đi bừa lại để cho có đất tốt, thuận cho sự phát triển của cây trồng.
- Đọc bài ca dao đối đáp : 
Ở đâu năm cửa nàng ơi
...
Ở trên tỉnh Lạng có thành tiên xây
ta không chỉ được biết về các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên nhiều vùng miền của đất nước mà còn thấy một niềm tự hào lớn lao về vẻ đẹp và truyền thống lịch sử đất nước của cha ông xưa.
	GV : Đọc văn học dân gian đặc biệt là văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, chúng ta còn biết thêm về đời sống (số phận con người, tập tục, ngôn ngữ...) của đồng bào các dân tộc thiểu số trên đất nước ta. Chẳng hạn : đọc Sử thi Đăm Săn ta biết được tục nối dây (chuê nuê) của người Ê-đê (chồng theo nhà vợ, chẳng may vợ bị chết thì gia đình vợ phải chọn một người khác thay thế không thể để gia đình đứt dây. Nếu không có người suýt soát tuổi, người ta chấp nhận một em bé gái làm vợ – tất nhiên là trên danh nghĩa ). Hay là ngôn ngữ độc đáo của người Thái qua truyện thơ Tiễn dặn người yêu : anh yêu em trong ngôn ngữ và dân ca Thái có nghĩa là anh yêu của em – lời tự xưng của chàng trai khi nói với cô gái.
	2. Văn học dân gian có giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lý làm người
	GV : Không chỉ đem lại cho con người những hiểu biết mọi mặt về đời sống, văn học dân gian còn giáo dục con người tinh thần yêu nước, nhân đạo ; tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi để bảo vệ, giải phóng con người khỏi cái ác, bất công ; văn học dân gian cũng góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp : yêu đồng loại, hiếu thuận với cha mẹ, sự thủy chung, lòng vị tha, óc thực tiễn... Dựa vào các tác phẩm văn học dân gian đã học, em nào có thể làm sáng tỏ giá trị này ? (GV gợi ý một số tác phẩm : truyện cổ tích Thạch Sanh, Tấm Cám ; truyền thuyết Thánh Gióng ; tục ngữ, ca dao...)
HS : 
- Văn học dân gian giáo dục tinh thần yêu nước : truyền thuyết Thánh Gióng. Hình tượng thánh Gióng là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước khi có giặc ngoại xâm. 
- Văn học dân gian giáo dục tinh thần nhân đạo ; tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi để bảo vệ, giải phóng con người khỏi cái ác, bất công, niềm tin vào công lý cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, quy luật nhân quả trong cuộc đời: truyện cổ tích Thạch Sanh, Tấm Cám. 
- Văn học dân gian giáo dục tinh thần lạc quan : bài ca dao Mười cái trứng (Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn - Tháng khốn, tháng nạn ... Chớ than phận khó ai ơi – Còn da : lông mọc, còn chồi : nảy cây.) 
- Văn học dân gian góp phần hình thành những phẩm chất tốt đẹp : yêu đồng loại (Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ ; Lá lành đùm lá rách) ; hiếu thuận với cha mẹ (Công cha như núi Thái Sơn...) ; tình nghĩa anh em ruột thịt (Anh em nào phải người xa...) ; sự thủy chung (Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn- Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ)...
3. Văn học dân gian có giá trị thẩm mỹ to lớn, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn học dân tộc
GV diễn giảng : 
• Văn học dân gian góp phần hình thành tư duy thẩm mỹ, mỹ cảm đúng đắn, tiến bộ : 
Cái đẹp hài hòa, trong sáng, thanh cao :
 	Trong đầm gì đẹp bằng sen 
 	 Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
	Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
	 Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
- Chiều sâu của cái đẹp là ở cái cốt lõi, phẩm chất bên trong :
	+ Cái nết đánh chết cái đẹp
	+ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
• Trải qua thời gian, nhiều tác phẩm dân gian đã trở thành những mẫu mực về nghệ thuật, là những viên ngọc sáng, đem đến cho con người vẻ đẹp của văn học, ngôn ngữ tiếng Việt và cuộc sống, làm say đắm lòng người :
	+ Hỡi cô tát nước bên đàng
	 Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi 
	+ Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
 Non xanh nước biếc như tranh họa đồ 
	+ Ước gì sông hẹp một gang
 Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi
	• Văn học dân gian là nguồn sữa tinh thần nuôi dưỡng, là cơ sở của văn học viết, góp phần làm cho nền văn học dân tộc trở nên phong phú, đậm đà bản sắc. Trước khi xuất hiện văn học viết, văn học dân gian đã tồn tại và tiếp tục tồn tại, phát triển khi văn học viết ra đời. Trong nhiều thời kỳ, giai đoạn khác nhau của văn học viết, văn học dân gian là nguồn sữa tinh thần mát lành, bổ ích bồi dưỡng tâm hồn các nghệ sĩ, đồng thời là kho tư liệu vô tận để các nhà văn, nhà thơ khai thác, sử dụng. (GV kể cho HS nghe câu chuyện của Xuân Diệu hai lần học tập ca dao trên đường đi công tác – trong sách Bình giảng ca dao của Hoàng Tiến Tựu, NXB Giáo dục, H. 1997, Tr.16, 17 ; hoặc đọc các tác phẩm, đoạn trích thơ văn có sử dụng thể thơ, hình ảnh, ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật... quen thuộc của văn học dân gian. VD : Việt Bắc – Tố Hữu ; Đất nước – trích trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm...)
Hoạt động 4 : 	Củng cố, ghi nhớ
	GV : Gọi 1 HS đọc phần Ghi nhớ trong SGK
	HS : Đọc
	GV : Yêu cầu HS gấp sách, vở. Trong một phút, mỗi HS nhớ thầm lại nội dung bài học. Gọi 1 HS trình bày lại các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian.
	HS : Tính truyền miệng, tính tập thể.
IV. Luyện tập : (ở nhà)
1. Từ nội dung bài học nêu cách hiểu của mình về khái niệm văn học dân gian 
2. Tại sao có thể nói văn học dân gian là pho sách giáo huấn bề thế và cao đẹp về tâm hồn, đạo lý làm người Việt Nam ?
Tư liệu tham khảo
1. ‘‘Một quyển sách dân gian có nhiệm vụ làm vui cho người nông dân khi họ mệt mỏi trở về nhà sau cả ngày lao động mệt nhọc, giải trí cho họ, gây cho họ lòng phấn chấn khiến họ quên sự lao động vất vả, biến cánh đồng đá sỏi của họ thành một cánh đồng đầy hoa thơm ngát ; quyển sách đó có nhiệm vụ biến xưởng nghề của người thợ thủ công và gian nhà học đáng thương của người học nghề thành thế giới của thơ ca, thành một lâu đài mĩ lệ và làm cho cái đẹp, khỏe, chắc của họ giống như một nàng công chúa diễm kiều. Nhưng nó cũng có nhiệm vụ giải thích cho họ biết tình cảm, đạo đức, bắt họ phải nhận thức được cái sức mạnh, quyền lợi và sự tự do của mình, gây cho họ tinh thần dũng cảm và lòng yêu mến tổ quốc’’.
 (Mac & Ăngghen)
2. ‘‘Văn học dân gian là một bộ phận to lớn của văn hóa dân tộc, là một mặt quan trọng nhất trong ý thức hệ của nhân dân ta. Nó phản ánh thực tiễn của dân tộc trước hết là đấu tranh thiên nhiên và đấu tranh xã hội. Nó là bách khoa toàn thư – nói vậy không quá đáng – bách khoa toàn thư của mấy nghìn năm, bao gồm các mặt sinh hoạt, phong tục, tập quán, lễ giáo, kinh nghiệm cuộc sống, về vật chất và về tinh thần... Có thể thấy nội dung phong phú của văn học dân gian như vậy mới thấy vai trò của nó đối với việc xây dựng con người’’ 
(Nguyễn Khánh Toàn)
3. ‘‘Cái hay cái sâu sắc của ca dao, cái hồn của ca dao chỉ bộc lộ ra được khi ta sống hết mình với nó, khi ca dao làm thành một không khí ta thở, ca dao quyện làm một với nét mặt của những nhà cửa, chòm xóm, làng mạc, khi ca dao cất lên rất trữ tình một cách hồn nhiên : ca dao đã thành một cái điệu của tâm hồn cảnh vật và tâm hồn người...’’
(Xuân Diệu)
4. ‘‘Đúng là tác phẩm văn học dân gian vốn không mang tên tác giả cũng như thường không có tựa đề (tên này thường do những người sưu tầm, người biên soạn đặt). Nhưng vô danh không có nghĩa là không có tên tác giả. Và tập thể không phải là tất cả mọi người. Có lẽ sự hình dung sau đây của Clôđ Roa dễ tiếp nhận đối với chúng ta : ‘‘Thơ ca dân gian là kết quả của sự cộng đống sáng tạo của một người mà ta chỉ không biết tên tuổi (thường là như thế) với những người khác mà tên tuổi thì ta không biết được (hầu như bao giờ cũng thế)’’.
Điều quan trọng nữa là không nên để những cách hiểu mơ hồ về khái niệm ‘‘sáng tác tập thể’’ che lấp sự ngộ nhận ‘‘tập thể’’ như một tập quần đồng hạng, ‘‘ai cũng như ai’’. Trong sự sáng tạo nghệ thuật, kể cả nghệ thuật dân gian, không thể không nói đến vai trò của những cá nhân có tài năng. (Mà tài năng nhất là tài năng trong nghệ thuật, lại không phải là thứ mà tạo hóa hay xã hội muốn hoặc có thể ban phát cho mọi người)...
Ai đã từng đi sưu tầm văn học dân gian điền dã đều biết : ở những làng xưa kia thường có những nhân vật đặc biệt, rất nổi tiếng, được trời phú cho một năng khiếu nghệ thuật hiếm có – một chất giọng say người, một cái tài mẫn tiệp lạ lùng trong ca hát đối đáp, một cái duyên kể chuyện đậm đà, cuốn hút,... những con người có thừa tư chất nghệ sĩ song thường thiếu một chút may mắn ấy, dù có khuyết tật gì thì vẫn cũng được dân làng thương mến, cảm thông, bởi vì, thời đó, một vài người tài hoa như thế đã làm ‘‘chức năng’’ gần như của cả một cái nhà văn hóa bây giờ’’
(Đỗ Bình Trị)

Tài liệu đính kèm:

  • docKhai quat van hoc dan gian.doc